(HNM) -
Một trong những khu vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất của biến đổi khí hậu ở nước ta là Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu thì Đồng bằng sông Cửu Long là nơi đang chịu các tác động "kép" do biến đổi khí hậu, nước biển dâng... Nhiều nơi trong vùng đã chịu những trận bão, lũ lớn, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Hạn hán nặng dẫn tới xâm nhập mặn ngày càng tăng, làm ảnh hưởng tới gần 700.000ha đất canh tác, chiếm khoảng 40% trong tổng số 1,7 triệu héc ta đất nông nghiệp của cả vùng.
Hệ lụy của biến đổi khí hậu tại khu vực này nói riêng, tại nước ta nói chung là chưa lường được hết. Bên cạnh tác nhân là dân số gia tăng, quá trình đô thị hóa… nhân tố quan trọng nhất tác động đến biến đổi khí hậu là hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 600 nghìn doanh nghiệp, chừng 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phần lớn đều đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 đến 3 thế hệ. Trong đó, có đến 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập thuộc thế hệ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, 75% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% thiết bị là đồ tân trang..., chỉ có 20% là nhóm ngành sử dụng công nghệ cao.
Đáng chú ý, ngay kết quả khảo sát tại một số khu công nghiệp công nghệ cao, chẳng hạn như tại đầu tàu kinh tế cả nước - TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy tình trạng không mấy khả quan nêu trên. Công nghệ lạc hậu song muốn cải tiến, nâng cấp công nghệ, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại gặp rất nhiều khó khăn mà trở ngại đầu tiên chính là vốn đầu tư hạn hẹp.
Một thống kê khác, hiện cả nước có hơn 1.200 làng nghề truyền thống, hoạt động với nhiều loại hình ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, có đến 90% làng nghề truyền thống đang bị ô nhiễm môi trường.
Chưa bao giờ mà cả khu vực nông thôn, thành thị và những khu vực đặc thù như có rừng, duyên hải… lại cùng đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường cao như bây giờ. Chỉ thị 30/CT-TTg, ban hành ngày 27-11-2015, về việc tăng cường kiểm soát dự án sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường chỉ rõ những hạn chế trong giám sát, kiểm tra, tuân thủ quy định về tiêu hao năng lượng, vấn đề ô nhiễm môi trường… ở một số đối tượng doanh nghiệp.
Điều đáng nói, do chạy theo thành tích, không ít địa phương vẫn đang (và chắc còn tiếp tục) cấp phép, cho đi vào hoạt động những dự án có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng như ồ ạt cấp phép cho dự án sản xuất xi măng, gang thép, khai thác khoáng sản, thủy điện… Nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ của thế giới - như cảnh báo của đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế cũng không còn xa lạ.
Tại phiên toàn thể của Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 21), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Từ nay đến năm 2020, mặc dù trong điều kiện khó khăn về nguồn lực nhưng Việt Nam vẫn sẽ tích cực triển khai chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực với các biện pháp thiết thực. Trong giai đoạn sau năm 2020, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.
Để thực hiện nhiệm vụ này, đã đến lúc dứt khoát phải nói "không" với sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu. Mệnh lệnh này cần được thực hiện thống nhất, đặc biệt là tại các địa phương - vốn được phân quyền rộng rãi trong cấp phép dự án. Đồng thời, xây dựng chiến lược cải tiến, nâng cấp trình độ công nghệ của doanh nghiệp, làng nghề… là việc phải làm ngay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.