(HNM) - Với việc hàng nghìn doanh nghiệp phải giải thể, hàng chục nghìn doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, tồn đọng sản phẩm, hàng chục vạn lao động không có việc làm… giải cứu doanh nghiệp là vấn đề cấp bách trong bối cảnh hiện nay.
Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về triển khai hoạt động kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, diễn ra trong hai ngày 25 và 26-12, hàng loạt giải pháp đã được đưa ra. Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn thì giãn, giảm thuế được xem là một điểm nhấn trong nhóm giải pháp trợ giúp cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, để vực dậy một nền kinh tế đang đứng trước áp lực lớn của lạm phát, nợ xấu, thị trường bất động sản trầm lắng… thì vẫn còn không ít vấn đề cần phải giải quyết.
Trong gói giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã đề cập tới việc giãn, giảm thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có nhiều lao động, doanh nghiệp đầu tư , kinh doanh nhà ở… Đồng thời, sẽ giảm 50% tiền thuê đất năm 2013-2014 đối với các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được thuê đất mà số tiền phải nộp theo quy định tại Nghị định số 121 tăng quá hai lần so với mức nộp năm 2010. Với việc thực hiện các giải pháp nêu trên, ngân sách nhà nước năm 2013 sẽ giảm thu khoảng 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, nếu ngân sách nhà nước giảm mà doanh nghiệp, người dân có thể trụ lại và vượt qua cơn bĩ cực thì là việc nên làm và cần làm ngay.
Theo giới doanh nghiệp, các giải pháp mà Chính phủ đưa ra vừa mang tính hỗ trợ, vừa mang tính khích lệ. Bởi lẽ, thực tế, với không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa tồn tại được trong thời gian qua đã là cả vấn đề. Tuy nhiên, khi được gia hạn thời gian nộp thuế, doanh nghiệp sẽ có thêm thời gian sử dụng đồng vốn của mình cải thiện thực trạng sản xuất kinh doanh. Còn giới chuyên gia kinh tế thì cho rằng việc giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay để các doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp này, Chính phủ cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp mạnh hơn để xử lý nợ xấu, hàng tồn kho và giải quyết việc bảo lãnh tín dụng. Bởi lẽ được thụ hưởng từ giải pháp giãn, giảm thuế của Chính phủ là những doanh nghiệp còn có thể hoạt động cầm chừng, với doanh nghiệp đang đứng trước bờ vực, cần có giải pháp mang ý nghĩa như một phao cứu sinh.
Có thể thấy, việc Chính phủ đề xuất giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp là một giải pháp phù hợp với yêu cầu thực tế và cũng là một sự sẻ chia, đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn chung hiện nay. Để vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bên cạnh việc đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tích cực kiểm soát giá cả, kiềm chế lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư, thiết lập các gói tài chính hỗ trợ doanh nghiệp… thì việc khẩn trương đưa ra các giải pháp "phá băng" thị trường bất động sản có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề cho các thị trường khác.
Hy vọng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân, nền kinh tế đất nước sẽ từng bước vượt qua khó khăn, khôi phục đà tăng trưởng. Trước mắt, các bộ, ngành cần sớm cụ thể hóa những giải pháp quan trọng của Chính phủ để chủ trương, chính sách nhanh chóng phát huy hiệu quả trong đời sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.