(HNM) - Khái niệm không gian mạng hay không gian ảo trở nên phổ biến khi thế giới chứng kiến sự bùng nổ của internet, của công nghệ kỹ thuật số, thông tin liên lạc... Là thành tựu quan trọng nhất trong Cách mạng công nghiệp lần thứ 3, không gian mạng được xem như một trải nghiệm xã hội mà các cá nhân có thể tương tác, trao đổi ý kiến, chia sẻ thông tin, tạo ra phương tiện truyền thông, tham gia thảo luận khoa học, nghệ thuật, văn hóa, chính trị... mà không bị giới hạn về vị trí địa lý, khoảng cách, thời gian...
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận, trên không gian mạng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ đe dọa an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đó là tình trạng lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền chống phá Nhà nước, kích động biểu tình, bạo loạn gây rối; là hoạt động gián điệp, đánh cắp bí mật nhà nước; là hoạt động lừa đảo, trộm cắp, cờ bạc, cá độ, mại dâm... Nguy hiểm hơn, những cuộc tấn công trên mạng từ bên ngoài không còn diễn ra tự phát, đơn lẻ, mà được tổ chức thành chiến dịch, có hệ thống và quy mô ngày càng lớn, nhằm vào những lĩnh vực, công trình trọng yếu của quốc gia.
Những hoạt động trên gây bức xúc dư luận, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, xâm phạm đến an ninh quốc gia, song việc xử lý, ngăn chặn, đấu tranh còn bị động, thiếu hiệu quả vì thiếu cơ sở pháp lý, chưa có chế tài đủ mạnh. Không chỉ riêng Việt Nam, an ninh mạng đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu, tác động đến kinh tế, chính trị của cả nhiều quốc gia trên thế giới. Thời gian qua, nhiều nước đã có những đạo luật nhằm ngăn ngừa hoạt động tội phạm trên không gian mạng, chặn thông tin xấu, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Vì thế, việc ban hành một đạo luật để bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là hết sức cần thiết.
Vấn đề đặt ra khi xây dựng, thảo luận về Luật An ninh mạng hiện nay là sự thống nhất về nhận thức. Bởi, trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến, vẫn còn không ít tư duy khác biệt. Tất nhiên, nói dự luật không tác động, không ảnh hưởng đến quyền lợi của một số tổ chức, chủ thể là không đúng; sẽ có ảnh hưởng, sẽ phát sinh thêm thủ tục. Song, trong trường hợp cần thiết, vì lý do bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội... thì một số quyền cũng có thể phải tiết chế trong khuôn khổ phù hợp. Nói cách khác, khi phải lựa chọn giữa một bên là lợi ích quốc gia, là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, một bên là quyền kinh doanh, sử dụng không gian mạng thì sự lựa chọn sẽ phải là đặt lợi ích quốc gia, lợi ích của số đông lên trên hết. Nếu nhìn ở góc độ này thì rõ ràng dự luật về an ninh mạng sẽ bảo vệ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này được an toàn hơn.
Cùng với việc xây dựng luật, cũng cần tuyên truyền sâu, rộng để nâng cao nhận thức về vấn đề an ninh mạng, giúp mỗi cá nhân, tổ chức tự ý thức trách nhiệm của mình, khai thác những tiện ích của không gian mạng một cách tích cực; không tuyên truyền, cổ súy, hoặc để kẻ xấu lợi dụng không gian mạng để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước; cảnh giác trước những thông tin sai trái, xấu, độc. Đặc biệt, mỗi người tự ý thức trong việc phòng, chống tội phạm, bảo vệ bản thân và gia đình trước các nguy cơ trên không gian mạng. Chính nhận thức của mỗi cá nhân, tổ chức về trách nhiệm phòng, chống tội phạm trên không gian mạng sẽ có ý nghĩa góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả trước các hoạt động xâm hại an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Cùng với hội nhập quốc tế, phát triển công nghệ thông tin, nhất là trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc đặt ra vấn đề tăng cường quản lý an ninh mạng lại càng cần thiết hơn bao giờ hết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.