Xã hội

UN Women tập huấn truyền thông về bạo lực trên không gian mạng cùng báo giới

Thành Vinh 29/10/2024 - 09:21

Chương trình tập huấn do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp cùng với Đại sứ quán Canada tại Việt Nam tổ chức hướng đến ngày 25-11, “Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” và Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực gia đình trên cơ sở giới.

581-202410290837211.jpg
Các nhà báo và diễn giả tham dự chương trình “Tập huấn truyền thông về Bình đẳng giới và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em - Bạo lực trên không gian mạng” tại thành phố Cần Thơ.

Trong hai ngày 28 và 29-10, hơn 30 nhà báo, người làm truyền thông đến từ các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông trung ương và địa phương đã cùng thảo luận, tìm hiểu những nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về truyền thông có nhạy cảm giới với những vụ việc liên quan tới bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em và bạo lực trên không gian mạng, nhằm nâng cao năng lực, xóa bỏ định kiến giới và bạo lực giới trong lĩnh vực truyền thông tại Việt Nam.

Tham dự chương trình tập huấn có các chuyên gia của UN Women, các vị khách mời đến từ các cơ quan chuyên môn với vai trò hướng dẫn nghiệp vụ truyền thông: Bà Suzie Dunn, Trợ lý Giáo sư tại Đại học Dalhousie & Trường Luật Schulich; Thạc sĩ Trần Lệ Thùy, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến truyền thông và phát triển; Thạc sĩ Hoàng Bích Thảo, cán bộ phụ trách Truyền thông và vận động chính sách UN Women. Đặc biệt, chương trình tập huấn có sự tham gia của hơn 30 người làm công tác truyền thông tại các cơ quan báo chí trung ương và địa phương quan tâm đến các vấn nạn bạo lực đang tồn tại trong xã hội đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là vấn nạn bạo lực trên không gian trực tuyến.

581-202410290837212.jpg
Bà Suzie Dunn, Trợ lý Giáo sư tại Đại học Dalhousie & Trường Luật Schulich trao đổi trực tuyến với báo giới Việt Nam về các vấn đề rủi ro khi tác nghiệp và đối phó với bạo lực trên không gian mạng.

Buổi tập huấn đã giúp người tham dự hiểu đúng về các nguyên tắc khi đưa tin về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; các định nghĩa về bạo lực trên công nghệ; tìm hiểu các nguyên nhân gốc rễ và các rủi ro đối với các nhà báo khi tác nghiệp từ đó lập tình huống và lên kế hoạch an toàn; các giải pháp ứng phó toàn cầu đối với bạo lực dựa trên công nghệ….

581-202410290837213.jpg
Chia sẻ của chuyên gia UN Women về định kiến giới, các loại hình bạo lực và tình trạng bạo lực tại Việt Nam và thế giới.

Người tham gia tập huấn cũng đã cùng nhau thảo luận về nguyên tắc của truyền thông khi đưa tin liên quan bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; cùng đi thăm "Ngôi nhà bình yên", nơi tạm lánh miễn phí dành cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực tại thành phố Cần Thơ để có cơ hội trao đổi thực tế.

Có thể bạn chưa biết:

Trên thế giới, gần một phần ba phụ nữ đã từng bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục. Ước tính có tới 10 triệu trẻ em là nạn nhân của nạn bóc lột tình dục. Ở Việt Nam, vấn nạn bạo lực vẫn còn ẩn giấu trong xã hội vì đa số nạn nhân bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền và một nửa trong số họ chưa bao giờ kể cho ai biết về việc bị bạo lực. Bạo lực đối với phụ nữ không những gây thiệt hại về thể xác, tinh thần mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Nếu bạn biết hoặc thấy các trường hợp phụ nữ và trẻ em cần giúp đỡ, hãy liên hệ:

Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111

Ngôi nhà bình yên: 1900 969 680

Việt Nam chưa có số liệu tổng thể về loại hình bạo lực trên không gian mạng, tuy nhiên xu hướng có vẻ đang gia tăng và hướng vào nhóm thanh niên và vị thành niên với các con số ghi nhận được:

- 21% vị thành niên và người trẻ tuổi từ 13-24 đã từng bị bắt nạt trên mạng. (Nguồn: UNICEF's U-Report (2019)).

- 15,6% LGBTI+ được khảo sát đã trải qua kỳ thị và bắt nạt trên không gian mạng trong vòng 12 tháng qua. (Nguồn: iSEE, UNDP, Nghiên cứu: “Có phải vì tôi là LGBT? Phân biệt đối xử dựa trên bản dạng giới và xu hướng tính dục tại Việt Nam (2022)).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
UN Women tập huấn truyền thông về bạo lực trên không gian mạng cùng báo giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.