Tại phiên chất vấn hôm nay 12-11, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang thông tin làm rõ thêm về vấn đề tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng và biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Nạn tin giả, tin sai sự thật, mê tín dị đoan… được các đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau), Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre), Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum), Châu Quỳnh Dao (Đoàn Kiên Giang) đặt câu hỏi và đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp xử lý, ngăn chặn…
Trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, trước đây, trong các văn bản pháp luật mới chỉ quy định xử lý cá nhân sử dụng mạng xã hội đưa thông tin sai sự thật, tin giả. Tại nghị định vừa mới ban hành, có thêm quy định xử lý các nền tảng xã hội vi phạm luật pháp Việt Nam, yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải có công cụ chặn lọc vi phạm…
Ngoài ra, người dùng phải được truyền thông về kỹ năng số, biết sử dụng các nền tảng số, có khả năng đề kháng trên không gian số. Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Trung tâm Chống tin giả quốc gia. Các địa phương cũng thành lập trung tâm tương tự, tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân về thông tin xấu, độc.
Làm rõ thêm về công tác quản lý nhà nước trước nạn tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nhấn mạnh, tin giả, tin sai sự thật gây hậu quả khôn lường, hệ lụy nghiêm trọng, trở thành mối đe dọa lớn đối với kinh tế - xã hội, thậm chí đe dọa trực tiếp đến chủ quyền, an ninh quốc gia.
Hành vi vi phạm phổ biến trên mạng xã hội hiện nay là một số đối tượng lợi dụng chức năng phát trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội để phát ngôn, tuyên truyền tin giả, tin sai sự thật, tác động tiêu cực tới tâm trạng xã hội và tình hình an ninh trật tự. Hành vi này tác động làm lệch lạc nhận thức, kích động hành vi lệch chuẩn, bạo lực, cổ súy hủ tục mê tín dị đoan, đồi trụy…
Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, lực lượng công an nắm tình hình vi phạm pháp luật trên không gian mạng, mạng xã hội, từ đó đấu tranh, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Đối tượng đưa tin giả, tin sai sự thật có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự theo mức độ vi phạm.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, mức xử phạt hành chính hiện chưa đủ răn đe (5-10 triệu đồng); thiếu những quy định mang tính định lượng cụ thể để xác định vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ví dụ, việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác đến mức độ nào thì được coi là nghiêm trọng, trong khi chỉ cần thực hiện hành vi bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật, nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Tiếp theo là đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tin giả, tin sai sự thật; đồng thời tuyên truyền định hướng dư luận, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, tạo ra sức đề kháng đối với tin giả, tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc, kích động; vạch trần thủ đoạn hoạt động của tội phạm trên không gian mạng, mạng xã hội.
“Bộ Công an, khi hợp tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm với các cơ quan thực thi pháp luật của các nước, đều thống nhất việc chia sẻ thông tin. Nguyên tắc là không để cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào đưa tin giả, tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân của nước khác”, Bộ trưởng Bộ Công an thông tin.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.