Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc cần làm thường xuyên

Hà Trang| 31/03/2023 06:40

(HNM) - Vụ việc liên quan đến sự cố an toàn thực phẩm tại Trường Tiểu học Kim Giang (phường Kim Giang, quận Thanh Xuân) vừa qua làm nhiều học sinh nhập viện, khiến chúng ta thêm một lần nữa phải nhìn lại công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.

Quả thực, kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm cả nước năm 2022 cho thấy, số cơ sở vi phạm vẫn còn nhiều. Qua thanh tra, kiểm tra 57.653 lượt cơ sở thì có hơn 10.000 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm. Có 54 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.359 người bị ngộ độc, trong đó 18 người tử vong. Riêng tại thành phố Hà Nội, năm 2022 xảy ra 6 sự cố về an toàn thực phẩm với 29 người bị ngộ độc. Trong quý I-2023, cả nước xảy ra 17 vụ với 227 người bị ngộ độc và 7 người tử vong...

Nguyên nhân của các vi phạm và sự cố nói trên là do nhiều chủ cơ sở thực phẩm chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt, cố tình vi phạm pháp luật. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thiếu về số lượng và kinh nghiệm công tác…

Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân, từng bước khắc phục những bất cập nêu trên, ngày 27-3-2023, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 26-CTr/TU thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TƯ ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Trước đó, ngày 20-3-2023, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 93/KH-UBND về triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2023, diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5. 

Trên cơ sở chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, Chủ tịch UBND các cấp phải khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động gắn với trách nhiệm người đứng đầu và phải chịu trách nhiệm toàn diện về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Sở Y tế chủ động chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý kịp thời vụ ngộ độc thực phẩm, xử lý thông tin về mất an toàn thực phẩm có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng; xây dựng bộ quy tắc phổ biến để người tiêu dùng biết và bài trừ thực phẩm không an toàn.

Với trách nhiệm của mình, Sở Công Thương phải quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, kinh doanh; tăng cường kiểm tra, hậu kiểm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; ứng dụng công nghệ cao truy xuất nguồn gốc hàng hóa sản xuất trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành trong cả nước để đưa vào hệ thống phân phối. Cục Quản lý thị trường Hà Nội cần tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên địa bàn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp dùng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt…

Có thể khẳng định, bảo đảm an toàn thực phẩm là việc làm cần thiết, phải được làm hằng ngày và quyết liệt, không chỉ trông chờ vào việc ra quân trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”. Các cơ quan chức năng của thành phố, các địa phương cần thường xuyên kiểm tra, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm vi phạm. Chính quyền các cấp, cơ quan quản lý, tổ chức xã hội cần nêu cao vai trò, tăng cường giám sát việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm… Có như thế, chúng ta mới hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao sức khỏe người dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việc cần làm thường xuyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.