(HNM) - Một thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) về
Thủ tướng Anh D.Cameron khẳng định sẽ tham gia chiến dịch vận động giữ nước Anh ở lại EU. |
Theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến, được đăng tải trên tờ Mail on Sunday số ra ngày 21-2, có 48% số người được hỏi cho rằng nước Anh nên ở lại EU, trong khi 33% số người có ý kiến ngược lại. Đây là cuộc thăm dò ý kiến đầu tiên kể từ sau khi Thủ tướng Anh David Cameron thành công trong việc gây sức ép buộc EU chấp thuận các yêu cầu cải cách của mình. Con số trên cho thấy số người Anh ủng hộ nước này ở lại EU tăng mạnh so với các cuộc thăm dò ý kiến được tiến hành trước khi thỏa thuận giữa Anh và EU ngã ngũ.
Thực ra, việc Anh đi hay ở lại EU đã được đặt ra từ lâu. Nước Anh gia nhập Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (EEC) - tiền thân của EU - vào năm 1973. Năm 1975, một cuộc trưng cầu ý dân về việc rút khỏi EEC từng được tổ chức ở Anh và 67,2% số người bỏ phiếu đã không ủng hộ ý tưởng này. Tuy vậy, sau bốn thập niên gắn bó, vấn đề EU đang trở lại thành đề tài nhạy cảm nhất tại Anh. Chính phủ Anh nhận định chưa bao giờ tương lai của Châu Âu lại mù mịt như hiện nay. Mô hình liên kết của EU có nhiều lỗi hệ thống đã cản trở sự phát triển và phồn vinh của các nước thành viên.
Những người cổ vũ rời khỏi EU tranh luận rằng, việc này có thể giúp tiết kiệm hàng tỷ USD phí thành viên, giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn các tuyến biên giới và giải phóng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Anh khỏi các quy định của EU. Thêm một nguyên nhân nữa là vấn đề nhập cư, bao gồm dòng người tị nạn chạy trốn chiến tranh từ Syria. Người Anh lo ngại rằng số lượng người nhập cư gia tăng sẽ khiến thuế tăng lên, cũng như giành lấy việc làm của họ và có thể sẽ nhận lương thấp hơn mức mà một công dân Anh yêu cầu. Như vậy, mặt bằng lương sẽ giảm và đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao. Bên cạnh đó, một số thành phần ở Anh còn có thành kiến về sự đa văn hóa mà dòng người nhập cư đã mang đến nước này. Ngoài ra, lòng tự tôn dân tộc cũng là một nguyên nhân. Người Anh tỏ ra ngại ngần khi phải từ bỏ chủ quyền quốc gia của mình để hòa nhập với EU.
Vì vậy, sự chia rẽ về vị trí của Anh tại Châu Âu đã từng là một trong những nguyên nhân khiến chính phủ của hai Thủ tướng tiền nhiệm tại Anh sụp đổ. Thế nên, ngay sau khi lên nắm quyền vào năm 2010, Thủ tướng D.Cameron khẳng định sẽ nỗ lực để tránh viễn cảnh này xảy ra. Sau khi đạt được thỏa thuận với EU về việc giữ Anh ở lại mái nhà chung Châu Âu, ngày 20-2, ông D.Cameron tuyên bố sẽ tham gia chiến dịch vận động được cho là nhiều thách thức bằng cả "trái tim và tinh thần" để giữ Anh ở lại trong EU.
Người đứng đầu Chính phủ Anh cũng bày tỏ hy vọng sẽ thuyết phục được cử tri xứ Sương mù tán thành "quy chế thành viên đặc biệt" của Anh trong EU tại cuộc trưng cầu dân ý dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 6 tới. Trong khi một đồng minh thân cận của Thủ tướng D.Cameron là Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove tuyên bố sẽ vận động cử tri Anh bỏ phiếu ra khỏi EU, Bộ trưởng Tài chính George Osborne và Bộ trưởng Nội vụ Theresa May khẳng định sẽ ủng hộ những nỗ lực của ông chủ ngôi nhà Số 10 phố Downing. Theo bà Therasa May, Anh nên tiếp tục là thành viên của EU vì lý do an ninh, chống tội phạm và khủng bố, mậu dịch với EU và tiếp cận các thị trường trên toàn cầu.
Hiện tại, thời gian tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của Anh đã được ấn định vào ngày 23-6 tới với câu hỏi trưng cầu được dự kiến là liệu nước Anh "sẽ an toàn hơn, mạnh hơn và thịnh vượng hơn trong một Châu Âu cải cách hay đứng ngoài một mình". Tỷ lệ cử tri Anh ủng hộ đảo quốc Sương mù ở lại với EU cao hơn nhiều so với trước đó nhờ bản thỏa thuận đặc biệt "có lợi cho nước Anh" vừa đạt được là một khích lệ lớn cho Thủ tướng D.Cameron. Quan trọng hơn, bản thỏa thuận này đã tạo nền tảng cần thiết để người dân Anh đưa ra quyết định sẽ tiếp tục đồng hành hay tách khỏi EU trong bối cảnh nội các Anh vẫn đang chia rẽ sâu sắc về tương lai đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.