Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao "đến hẹn"... lại lo?

Đan Nhiễm| 02/03/2015 06:17

(HNM) - Đến thời điểm này, hoạt động sản xuất - kinh doanh sau kỳ nghỉ Tết Ất Mùi của cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm khiến lãnh đạo nhiều DN đứng ngồi không yên vì không ít công nhân chưa trở lại làm việc và rất có thể trong số này, có những người sẽ không trở lại làm việc vì những lý do nào đó. Vì thế, nhiều DN tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... đã treo biển tuyển dụng, thậm chí có đơn vị còn tổ chức đưa nhân viên ra tuyển lao động ngay ở ven đường.


Vì sao trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức hồi phục của DN chưa mạnh mẽ nhưng tình trạng thiếu lao động những ngày sau Tết, đặc biệt là những DN tại các khu công nghiệp (KCN) vẫn lặp lại như nhiều năm trước? Có rất nhiều lý do.

Trước hết, ở nước ta hầu hết người lao động tại các DN có tuổi đời rất trẻ và phải làm việc xa gia đình, có khi tới cả nghìn cây số... Do vậy, cùng với chính sách lương, phụ cấp phải đáp ứng được cuộc sống sinh hoạt (chưa nói đến có tích lũy) thì điều người lao động quan tâm nhất là những chính sách an sinh xã hội. Đó là điều kiện chăm sóc y tế, trường học, hưởng thụ văn hóa... của bản thân và gia đình phải ở mức chấp nhận được. Rất tiếc, những vấn đề này trong một thời gian dài không được quan tâm, dẫn đến hiện tượng KCN "trống" nhà trẻ, nhà lưu trú công nhân..., kéo theo là không ít tệ nạn xã hội phát sinh ở những địa bàn có nhiều công nhân là lao động ngoại tỉnh lưu trú.

Nói riêng về vấn đề nhà ở cho công nhân, sau sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, vấn đề này đã được nhiều địa phương quan tâm. Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng..., cùng với các khu lưu trú công nhân do DN tự xây, nhiều khu nhà ở tập trung do Nhà nước đầu tư cũng đã hình thành. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, những địa chỉ này không hút được công nhân đến ở vì có rất nhiều bất cập. Cụ thể là, dựa theo khảo sát của ngành chức năng, có đến 97% công nhân khi được hỏi đều không đồng ý với quy định không cho người thân vào ở khi họ thuê phòng trong khu lưu trú, 79% cho rằng phòng ở quy mô lớn 8-10 người không thuận tiện trong sinh hoạt và 63% không đồng ý với quy định không được nấu ăn, vui chơi, tổ chức gặp gỡ bạn bè tại phòng lưu trú... Từ những lý do đó, nhiều công nhân phải chọn giải pháp thuê nhà trọ bên ngoài dù biết rằng những tiện ích của khu nhà trọ dân sinh không thể sánh bằng ở khu lưu trú.

Như vậy, với những khu lưu trú dành cho công nhân thì vấn đề đặt ra là phải đáp ứng các tiêu chí của người ở chứ không phải những tiêu chí của người xây dựng. Cũng vì vậy, bất cập này chưa được giải quyết, bất cập khác đã phát sinh!

Đội ngũ công nhân làm việc tại các DN trong KCN là nguồn lực đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khi đã lo được nhà lưu trú cho họ thì cũng tập trung tháo gỡ những cái khó để công nhân có chỗ ở, có cuộc sống ổn định. Khi đã có chỗ ở ổn định thì họ mới yên tâm lao động, sáng tạo, đem lại nguồn lợi cho chính DN.

Việc sau Tết Nguyên đán, nhiều lao động "nhảy việc" hoặc ở lại quê, không trở lại làm việc đã là câu chuyện "đến hẹn lại lo" của cộng đồng DN. Và điều này có nguyên nhân từ việc nhiều DN chưa bảo đảm được những quyền lợi tối thiểu cho người lao động.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao "đến hẹn"... lại lo?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.