(HNM) - Nếu khu vực đô thị tỷ lệ thu gom rác thải đạt khoảng 83%, thì tại khu vực nông thôn tỷ lệ này mới đạt 50-60% (mới chỉ tính thị trấn, thị tứ, các khu dân cư trung tâm). Công nghệ xử lý khá đa dạng, chưa phù hợp vì nhiều lý do nên không mang lại hiệu quả cao. Thêm vào đó, tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch hệ thống xử lý chất thải tại các địa phương chậm so với yêu cầu.
Nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn). Ảnh: Trung Kiên |
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, bình quân mỗi ngày lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 61.000 tấn, trong đó khu vực đô thị khoảng 30.500-31.000 tấn rác thải/ngày. Do tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với sự gia tăng dân số cao nên lượng chất thải rắn phát sinh tại khu vực đô thị tăng bình quân 7,5%/năm. Nếu tỷ lệ chất thải rắn tại đô thị được thu gom đạt khoảng 83% thì tại khu vực nông thôn, với lượng chất thải bình quân tương đương đô thị, việc thu gom mang tính tự phát, không thường xuyên dẫn đến tình trạng rác thải tồn đọng tại các kênh, mương, dọc tuyến đường liên thôn, liên xã… Tại thị trấn, thị tứ, lượng rác thải thu gom đạt tỷ lệ 50%, do các tổ dịch vụ tự quản và chủ yếu là các hộ dân nằm ở khu trung tâm, trên các trục đường chính. Riêng TP Hà Nội, lượng chất thải rắn phát sinh tại khu vực nông thôn khoảng 2.500 tấn/ngày nhưng tỷ lệ thu gom và xử lý mới đạt 35-40%, trong số đó 50-60% được chôn lấp, còn lại do người dân tự xử lý. Thực tế, việc xử lý thu gom rác tại nông thôn mang tính tự phát, phần lớn là các bãi rác lộ thiên đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng nước mặt, nước ngầm và môi trường cảnh quan.
Lượng chất thải rắn phát sinh hằng ngày không ngừng gia tăng song việc đầu tư các điểm xử lý rác thải lại hết sức khó khăn. Trong 3 dạng công nghệ xử lý chủ yếu là chôn lấp, sản xuất phân hữu cơ và đốt, dạng chôn lấp vẫn được áp dụng phổ biến nhất. Theo số liệu của các địa phương, cả nước hiện có 450 bãi chôn lấp, trong đó 80-85% không hợp vệ sinh, là nguồn gây ô nhiễm môi trường, chiếm dụng diện tích đất lớn, khả năng tái chế thấp. Nói cách khác đây là dạng xử lý thô sơ, lạc hậu nhất. Trong khi đó, dạng xử lý rác thành phân hữu cơ (cả nước có 20 nhà máy đang hoạt động và 15 nhà máy đang xây dựng) mặc dù được đánh giá là có nhiều ưu điểm hơn như chi phí thấp, tiết kiệm đất đai, tận dụng tái chế chất thải, nhưng chưa thực sự phổ biến do nhiều nhà máy thiếu nguồn rác để chế biến, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ và cũng chỉ có một số loại cây trồng có thể sử dụng loại phân bón này. Dạng xử lý bằng phương pháp đốt mới áp dụng trong chất thải rắn y tế và chất thải công nghiệp độc hại. Ưu điểm của phương pháp này là giảm thiểu tối đa lượng chất thải chôn lấp, nhưng lại đòi hỏi giá thành đầu tư lớn, chi phí vận hành cao. Hiện, mới chỉ có một số dự án như Nam Sơn (Hà Nội), Đông Thạnh (TP Hồ Chí Minh), Phúc Khánh (Thái Bình)…
Tại sao việc đầu tư các điểm xử lý rác thải, một vấn đề hết sức hệ trọng đối với đời sống nhân dân lại khó như vậy? Theo Bộ Xây dựng, trước hết, việc lập quy hoạch hệ thống xử lý chất thải rắn rất chậm. Nhiều địa phương chưa phê duyệt, thậm chí chưa lập quy hoạch quản lý chất thải rắn, nên chưa xác định được quỹ đất làm cơ sở đầu tư xây dựng, gây khó khăn trong việc tổng hợp danh mục dự án và triển khai dự án thí điểm. Thêm vào đó, đầu tư xử lý chất thải rắn cần nguồn vốn lớn, nhưng khả năng bố trí, huy động rất hạn chế. Trong khi cơ chế hỗ trợ, ưu đãi, kêu gọi xã hội hóa không khả thi, nên nhà đầu tư "quay lưng" với lĩnh vực này. Kinh phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn chủ yếu dựa vào ngân sách. Mức thu phí nhiều địa phương áp dụng rất thấp, chỉ bù đắp một phần nhỏ chi phí thu gom. Đã vậy, mỗi địa phương lại dành mức kinh phí khác nhau phụ thuộc điều kiện kinh tế và cả sự quan tâm của chính quyền. Những đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, kinh phí dành cho thu gom, xử lý rác thải lên tới 1.200-1.500 tỷ đồng, bằng 3,5% chi ngân sách hằng năm của TP, trong khi trung bình các địa phương khác chỉ khoảng 20-40 tỷ đồng/năm, thấp nhất có địa phương chi khoảng 3 đến 10 tỷ đồng/năm.
Cuối cùng, việc xác định vị trí để xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn khó nhận được sự đồng thuận của người dân địa phương. Thực tế đã có nhiều vụ người dân ngăn cản không cho chủ đầu tư đưa máy móc vào thi công; ngăn không cho xe chở rác thải vào bãi chôn lấp. Tuy nhiên, việc ngăn cản của người dân chủ yếu là ở các điểm xử lý bằng chôn lấp, hoặc bãi chôn lấp không bảo đảm vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.