Nhà máy Điện rác Sóc Sơn do Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội xây dựng đã đi vào vận hành 5 lò đốt rác với công suất tiếp nhận và xử lý từ 4.000 đến 5.000 tấn/ngày, công suất phát điện là 90MW. Việc nhà máy vận hành toàn bộ công suất đã và đang đóng góp tích cực vào việc xử lý rác thải rắn sinh hoạt, giảm ô nhiễm môi trường và biến rác thải thành nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Nỗ lực đưa nhà máy vào vận hành
Theo báo cáo của Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), các khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung của thành phố hiện nay đang tiếp nhận khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt chuyển về mỗi ngày. Trước năm 2022, hơn 90% lượng rác thải sinh hoạt này được xử lý thông qua chôn lấp hợp vệ sinh. Phương pháp xử lý rác này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, mà còn lãng phí nguồn tài nguyên để chuyển hóa thành năng lượng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
Trước thực trạng trên, Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội được thành lập để thực hiện dự án xây dựng Nhà máy Điện rác Sóc Sơn tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Dự án được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 12-2017, với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, theo công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường và đáp ứng quy chuẩn về môi trường của Việt Nam, đặc biệt một số chỉ tiêu quan trọng đáp ứng theo tiêu chuẩn châu Âu.
Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 8-2019, đến ngày 6-5-2022, Nhà máy Điện rác Sóc Sơn được vận hành thử nghiệm giai đoạn 1 với 1 lò đốt rác, có công suất tiếp nhận 1.000 tấn/ngày-đêm. Đến ngày 27-12-2022, nhà máy vận hành thử nghiệm giai đoạn 2 theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, công suất tiếp nhận và xử lý khối lượng 3.000 tấn/ngày-đêm tại 3 lò đốt. Đến ngày 27-11-2023, nhà máy vận hành cả 3 giai đoạn với 5 lò đốt rác, tổng lượng rác tiếp nhận và xử lý vào nhà máy từ 4.000 đến 5.000 tấn/ngày-đêm, công suất phát điện tối đa đạt 90MW. Như vậy, từ khi vận hành thử nghiệm đến nay, Nhà máy Điện rác Sóc Sơn đã tiếp nhận và xử lý hơn 1,2 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt và 245.000m3 nước rỉ rác, bảo đảm các quy định về bảo vệ môi trường.
Việc đưa vào vận hành Nhà máy Điện rác Sóc Sơn đã góp phần giải quyết hơn 70% lượng rác phát sinh ở Hà Nội; đồng thời giảm áp lực việc mở rộng các khu chôn lấp rác ở 2 khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (huyện Ba Vì - thị xã Sơn Tây). Đặc biệt, khi đi vào vận hành ổn định, Nhà máy Điện rác Sóc Sơn góp phần hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra sự cố môi trường do ùn ứ rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội và lượng nước rỉ rác phát sinh do phải chôn lấp.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội Vũ Văn Định chia sẻ: “Tham gia bảo vệ môi trường ở Hà Nội là trách nhiệm của chúng tôi. Với những nơi mà chúng tôi đặt dự án, chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho người dân. Dự án đốt rác sẽ giúp người dân có cuộc sống trong lành hơn, vì rác được xử lý triệt để, không gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, việc đốt rác còn tiết kiệm nguồn tài nguyên đất. Bởi, nếu tiếp tục xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp, thì hằng năm thành phố Hà Nội phải bố trí một diện tích đất nhất định để chứa, chôn lấp rác và phải xử lý nước rác”.
Bảo đảm khối lượng rác để nhà máy hoạt động ổn định
Để đạt được kết quả trên, đại diện Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội cho biết, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường Hà Nội tiếp nhận và xử lý chất thải rắn sinh hoạt vào nhà máy theo đúng kế hoạch phân luồng rác của UBND thành phố Hà Nội và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội cam kết vận hành nhà máy theo đúng quy trình công nghệ và tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội trong việc kiểm tra, giám sát khối lượng tiếp nhận, xử lý chất thải rắn sinh hoạt vào nhà máy, bảo đảm tính chính xác, minh bạch (có phiếu cân điện tử, biên bản xác nhận khối lượng, ghi nhật ký) làm cơ sở nghiệm thu hằng tháng, quý, năm. Công tác quan trắc chất lượng môi trường trong quá trình hoạt động đốt rác cũng được các cơ quan chức năng của thành phố thực hiện định kỳ, thường xuyên theo quy định trong giấy phép môi trường. Hoạt động thu gom, lưu chứa chất thải sau đốt (xỉ lò, tro bay) được nhà máy thu giữ, không gây ảnh hưởng đến môi trường.
Tuy nhiên, để Nhà máy Điện rác Sóc Sơn vận hành ổn định, liên tục, Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội kiến nghị các sở, ngành xem xét, hoàn thiện chính sách, đẩy nhanh tiến độ thanh quyết toán chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị. Đồng thời, công ty kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sớm phê duyệt phương án đặt hàng và ký hợp đồng đặt hàng công tác xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt tại Nhà máy Điện rác Sóc Sơn để làm cơ sở nghiệm thu thanh toán khối lượng xử lý rác năm 2023 và triển khai kế hoạch hoạt động trong năm 2024. Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội điều chỉnh kịp thời phương án phân luồng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt vào nhà máy để bảo đảm đủ công suất đốt cho 5 lò và bố trí vị trí bãi chôn lấp tro bay sau khi xử lý hóa rắn để nhà máy vận hành theo quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.