Xã hội

Nhiều mô hình, cách làm hay trong phân loại và xử lý rác thải

Nguyệt Ánh 02/08/2023 12:07

Đặc biệt là mô hình “Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn” đang được triển khai thí điểm tại các huyện của Hà Nội.

Ngày 2-8, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo tập huấn với chủ đề vai trò của các cấp Hội phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường; các giải pháp phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình; giải pháp thu gom và xử lý, tái chế chất thải rắn.

5n.jpg
Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, với lượng rác thải trung bình vào khoảng 7.000 tấn mỗi ngày, trong đó có khoảng 10-15% không được thu gom, xử lý gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và tổ chức Hội trong việc chủ động tham gia giải quyết những vấn đề về môi trường của thành phố, những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã chỉ đạo hội liên hiệp phụ nữ các quận, huyện, thị xã và cơ sở đổi mới phương thức truyền thông, nâng cao nhận thức cho hội viên về bảo vệ môi trường; xây dựng nhiều mô hình, cách làm hay có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, như: “Biến điểm rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản”, “Đổi phế liệu lấy cây xanh”, “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa dùng một lần”, “Thùng rác thân thiện”, “Phân loại, xử lý rác thải tại nguồn”, “Xử lý rơm rạ sau thu hoạch”… Đặc biệt là mô hình “Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn” đang được triển khai thí điểm tại các huyện, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hoạt động tham gia bảo vệ môi trường của các cấp Hội phụ nữ thành phố đã góp phần quan trọng trong việc dần thay đổi nhận thức, hình thành thói quen tích cực, nếp sống văn minh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế và những thách thức mới trong công tác tham gia bảo vệ môi trường của Hội…

4p.jpg
Đại biểu chia sẻ ý kiến tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế triển khai mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường; đề xuất những giải pháp phù hợp, thiết thực trong thời gian tới.

Nói về “Mô hình thu gom phân loại rác và xử lý rác hữu cơ” trên địa bàn huyện Đông Anh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đông Anh Ngô Thị Thúy Hằng cho biết: Đến tháng 3-2023 đã có 54.140 hộ gia đình tham gia phân loại rác tại nguồn, đạt 57% số hộ; có 41.160 hộ tham gia phân loại và xử lý rác hữu cơ tại nguồn, đạt 43%.

Tại quận Nam Từ Liêm, sau 2 năm triển khai dự án “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các hoạt động phân loại, tái chế bền vững”, đã ghi nhận kết quả nổi bật. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Nam Từ Liêm Lê Thị Bích Hà chia sẻ: Hội đã thành lập một câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ thu gom ve chai; tổ chức 20 buổi tập huấn; hơn 35.000kg rác thải nhựa và 9.000 hộ gia đình tham gia phân loại rác tại nguồn; 24 trường học, 19.000 học sinh được tuyên truyền.

3n.jpg
Các đại biểu tham quan mô hình "Trạm rác thông minh" tại quận Hoàng Mai.

Việc phân loại rác thải tại nguồn đã góp phần giảm lượng rác thải phát sinh, tuy nhiên, các đại biểu đều nhận định, nhận thức và ý thức về việc phân loại rác thải tại nguồn và việc xử lý rác tại gia đình còn hạn chế; người dân vẫn quen với việc chuyển giao rác thải chưa được phân loại…

Để thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức của người dân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Long Biên Trần Thị Việt Hoa đề xuất, chính quyền các cấp phải vào cuộc, cùng với các tổ chức đoàn thể tham gia việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đến từng hộ dân, khu dân cư, tổ dân phố, gọi là “bắt tay chỉ việc”, cùng đồng hành với người dân trong bước đầu thực hiện phân loại rác tại hộ gia đình…

Tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội thảo, trong thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ thành phố sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên tích cực hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường; đồng thời sẽ triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả trong phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình; thu gom và xử lý, tái chế chất thải rắn...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều mô hình, cách làm hay trong phân loại và xử lý rác thải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.