(HNM) - Tình trạng buôn lậu các mặt hàng tiêu dùng có thuế nhập khẩu cao; vận chuyển trái phép qua biên giới thực phẩm không rõ nguồn gốc; buôn bán hàng giả, hàng nhái... dịp Tết luôn diễn biến phức tạp. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, mà còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng, thất thu ngân sách nhà nước...
Trước tình hình đó, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu 5 lực lượng: Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và các địa phương cần nỗ lực mạnh mẽ hơn trong công tác ngăn chặn tội phạm, giảm thiểu nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, để nhân dân bình yên, an toàn hơn trong dịp Tết.
Tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo 389 thành phố ngày 2-12-2019 đã ban hành Kế hoạch số 248/KH-UBND, triển khai đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020. Theo đó, từ ngày 1-12-2019 đến 28-2-2020, lực lượng chức năng thành phố sẽ đẩy mạnh kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ các vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, triệt phá các đường dây, ổ nhóm trên địa bàn Thủ đô.
Có thể thấy rõ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt từ Trung ương và sự quyết tâm, đẩy mạnh công tác trên mặt trận đầy phức tạp này ở thành phố. Để chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, những thách thức đặt ra với cơ quan chức năng là rất lớn. Đặc biệt, do có nhiều lực lượng làm công tác này, nên không dễ để quy rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm, ít nhiều đã dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc” như nhận định của Thủ tướng.
Do đó, trước hết, cần tăng cường công tác chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng của thành phố cũng như các địa phương để nắm chắc địa bàn, đối tượng, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phân định cơ quan chịu trách nhiệm chính và cơ quan phối hợp trên từng địa bàn, lĩnh vực. Bên cạnh đó, rất cần sự phối hợp tích cực, hiệu quả giữa Ban Chỉ đạo 389 của thành phố với Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các bộ: Công an, Công Thương, Tài chính… để thực hiện tốt công tác này.
Đặc biệt với thành phố Hà Nội - một trong những địa bàn "nóng" về buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết - cần được đặt ưu tiên hàng đầu là tập trung khắc phục nhược điểm địa bàn rộng nhưng lực lượng chức năng lại mỏng. Những điểm tập kết, kho hàng tại vùng ngoại thành nằm trên các trục - tuyến giao thông từ các tỉnh, thành, đổ về Hà Nội tiêu thụ; các chợ truyền thống, nhất là chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp; các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh... cần được “khoanh vùng” để rà soát, tập trung lực lượng thanh, kiểm tra thường xuyên, liên tục cho hiệu quả.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; ngăn chặn kịp thời việc các đối tượng đầu cơ găm hàng, ép giá, gây bất ổn thị trường…
Về phía người dân, cần cương quyết nói "không" với hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc..., kể cả khi hàng hóa đó có giá rẻ hơn mặt bằng chung; nâng cao nhận thức để vừa không vô tình tiếp tay tiêu thụ hàng giả, hàng nhái vừa bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Với sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của các cơ quan chức năng; việc nâng cao cảnh giác, tiêu dùng một cách thông thái của người dân sẽ ngăn chặn hiệu quả nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tất cả góp phần mang lại sự an tâm, vì quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng mỗi dịp Tết đến xuân về.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.