Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì quyền lợi của học sinh

Minh Thúy| 25/12/2019 06:38

(HNM) - Là một trong những địa phương có quy mô ngành Giáo dục lớn nhất cả nước nên số trường học tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh tại Hà Nội chiếm số lượng lớn với 1.600 trường, tương đương khoảng 1,1 triệu học sinh. Vì thế, khi giá thịt lợn tăng thì các bữa ăn bán trú của học sinh cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Giá thịt lợn tăng kéo theo nhiều khó khăn cho các nhà trường, bởi đây là món ăn được trẻ yêu thích và chiếm phần lớn trong thực đơn bữa ăn bán trú của học sinh. Đáng nói, số trẻ mầm non ăn bán trú chiếm số lượng lớn (550.000 cháu), là đối tượng chậm thích nghi với thay đổi trong khẩu phần ăn.

Trong khi đó, giá bữa ăn bán trú không thể thay đổi tức thời vì phải thực hiện theo Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND ngày 22-11-2013 của UBND thành phố Hà Nội ban hành “Quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội”…

Trong "cái khó ló cái khôn", hiện hầu hết các nhà trường và đơn vị cung cấp suất ăn bán trú đã có những thay đổi linh hoạt trong thực đơn với ưu tiên hàng đầu là bữa ăn bảo đảm tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm và đủ dưỡng chất. Trong đó, cách làm hiệu quả được thực hiện là đa dạng món ăn, thay thế thịt lợn bằng các thực phẩm giàu dưỡng chất khác. Đặc biệt, hình thức món ăn cũng được chế biến khéo léo, bắt mắt để kích thích vị giác của học trò.

Hiện một số trường đã có những tính toán, thỏa thuận với phụ huynh về việc tăng giá bữa ăn bán trú. Đây là đòi hỏi khách quan, song vẫn có những lưu ý hết sức cần thiết để vừa không gây ảnh hưởng đến bữa ăn bán trú, vừa được phụ huynh đồng thuận và quan trọng nhất là luôn bảo đảm suất ăn chất lượng cho học sinh. Theo đó, phương án tăng cần được lập kế hoạch chi tiết và phải được phụ huynh đồng thuận. Đồng thời, biên độ tăng giá bữa ăn bán trú cũng phải tương ứng với mức tăng - giảm của mặt hàng thịt lợn. Đặc biệt, việc giá thịt lợn tăng ảnh hưởng đến các trường công lập tổ chức ăn bán trú ở vùng nông thôn. Do vậy, phương án này cần được tính toán cẩn trọng, tránh tình trạng “đục nước, béo cò”, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh.

Một yêu cầu quan trọng nữa đặt ra là càng trong những lúc khó khăn, việc giám sát nguồn thực phẩm càng đòi hỏi cao hơn để tránh việc trà trộn thực phẩm kém chất lượng. Vì thế, bên cạnh việc kiểm tra, giám sát của nhà trường, rất cần các phụ huynh chung tay thực hiện việc này một cách thực chất hơn. Trong bối cảnh các nhà trường phải tăng nguồn cung thực phẩm khác để thay thế thịt lợn, thì công việc này cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn giữa nhà trường và đại diện cha mẹ học sinh.

Phải khẳng định, thời gian này các cấp, ngành chức năng và địa phương trên địa bàn thành phố đang tích cực vào cuộc để bảo đảm đủ nguồn cung thịt lợn, nhất là từ nay đến cuối năm. Tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 24-12, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết nguồn cung thịt lợn đến nay cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

Đặc biệt, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành Nông nghiệp tổ chức ngày 23-12: Việt Nam hiện đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu; không có chuyện thiếu thịt lợn và giá thịt lợn đang có xu hướng giảm. 

Như vậy, việc ứng phó với giá thịt lợn tăng cần được các nhà trường xử lý bình tĩnh, theo dõi sát dự báo về nguồn cung, mức giá thịt lợn từ các cơ quan chức năng để có điều chỉnh phù hợp, kịp thời… Qua đó, bảo đảm bữa ăn bán trú của học sinh đạt chất lượng và luôn giữ được độ ổn định trên mọi phương diện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì quyền lợi của học sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.