Giáo dục

Từ diễn biến mới ở trường bị tố “bữa ăn bán trú lèo tèo”: Đôi điều trăn trở

Thống Nhất 18/10/2023 - 20:27

Ngày 18-10, Trường Trung học cơ sở Yên Nghĩa (quận Hà Đông) - đơn vị bị phản ánh “bữa ăn bán trú lèo tèo” thông báo tạm dừng tổ chức ăn bán trú. Diễn biến mới này thu hút sự quan tâm của dư luận. Nguyên nhân vì sao? Việc dừng bán trú có ảnh hưởng đến việc học của học sinh hay không? Nhà trường giải quyết khó khăn này ra sao?

Vì sao dừng bán trú?

Sau cuộc họp giữa Ban giám hiệu Trường Trung học cơ sở Yên Nghĩa với phụ huynh học sinh và Công ty chế biến suất ăn Hoa Sữa nhằm chấn chỉnh những thiếu sót trong việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú vào chiều qua (17-10), hôm nay (18-10) nhà trường gửi thông báo tới phụ huynh học sinh về việc tạm dừng tổ chức ăn bán trú.

Nội dung tin nhắn nhà trường thông báo gửi phụ huynh học sinh như sau: "Để đảm bảo công tác chăm sóc bán trú được tốt hơn. Theo sự chỉ đạo của cấp trên, Ban giám hiệu Trường Trung học cơ sở Yên Nghĩa xin thông báo tới các bậc phụ huynh tạm thời dừng ăn bán trú từ ngày 19-10-2023... ".

thong-bao.jpg
Thông báo của Trường THCS Yên Nghĩa.

Sau khi nhận được thông báo của nhà trường, nhiều phụ huynh học sinh cho biết khá lo lắng, chưa biết sẽ bố trí việc đưa đón con như thế nào.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Hoàng Thị Thu Trinh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Yên Nghĩa cho biết, ngay sau cuộc họp chiều qua (17-10), nhà trường đã rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực để tăng cường giám sát quy trình tổ chức bán trú như cam kết. Hiện nay nhà trường đang gặp khó khăn trong việc bố trí giáo viên giám sát quy trình bán trú.

Theo bà Hoàng Thị Thu Trinh, trước đây, để tổ chức bán trú, giáo viên, nhân viên nhà trường đã rất cố gắng để đáp ứng nguyện vọng của gia đình học sinh. Thời gian qua, nhà trường đã chưa có đủ nhân lực, chưa lắp được camera để giám sát công tác bán trú nên đã có những thiếu sót trong công tác này.

Năm học 2023-2024, Trường Trung học cơ sở Yên Nghĩa tổ chức học 2 buổi, trong đó khối 8, 9 học buổi sáng; khối 6, 7 học buổi chiều. Toàn trường có 2.000 học sinh, song số học sinh đăng ký ăn bán trú chỉ chiếm 1/4, tương đương với 500 học sinh. Cụ thể, số học sinh khối 8,9 ăn bán trú là 80 em, chiếm 10% tổng số học sinh của hai khối này; số học sinh khối 6,7 ăn bán trú là 420 em, chiếm 30% tổng số học sinh của hai khối.

Trước mối lo của một số phụ huynh học sinh về những khó khăn khi không thể bố trí người đưa đón con về nhà ăn buổi trưa để chiều con lại tiếp tục học ở trường, bà Hoàng Thị Thu Trinh khẳng định, nhà trường sẽ sắp xếp lại thời khóa biểu từ tuần 8 để học sinh, cha mẹ học sinh thuận tiện hơn trong việc đưa đón con.

Thiếu nhân lực giám sát

Thành phố Hà Nội hiện có gần 1 triệu học sinh ăn bán trú mỗi ngày, trong đó khoảng một nửa là trẻ mầm non, còn lại là học sinh phổ thông. Tuy nhiên, ở cấp phổ thông, việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú không phải là nhiệm vụ như ở cấp mầm non, mà là nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh học sinh khi các em học 2 buổi/ngày, gia đình không thể đưa đón con về nhà ăn trưa.

phuc-tan-1.jpg
Kiểm tra bếp ăn Trường Tiểu học Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm).

Theo chia sẻ của các hiệu trưởng trường phổ thông, một trong những khó khăn khi tổ chức bán trú là việc không được đào tạo về chuyên môn dinh dưỡng cũng như tài chính, nên nguy cơ sai sót là khó tránh. Hơn nữa, để bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như an toàn trong tổ chức trông trưa, hầu hết các trường đều phải vận động, xoay xở để có giáo viên, nhân viên tham gia. Thậm chí có một số trường phải thuê người bên ngoài vào tham gia giám sát. Tuy nhiên, việc này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Khó khăn chung của nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay là thiếu giáo viên. Vì vậy, việc bố trí giáo viên trông trưa, giám sát quy trình bán trú, bao gồm từ khâu giao nhận thực phẩm từ khoảng 6h sáng hằng ngày tới khâu chế biến, nấu, chia suất đến khi học sinh ăn xong, đi ngủ trưa là sự nỗ lực rất lớn của các nhà trường.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm) bày tỏ: “Chúng tôi rất yên tâm khi con được chăm sóc và ăn nghỉ tại trường vào buổi trưa. Có cô giáo quản lý, các con ăn ngoan, được rèn nền nếp sinh hoạt để bảo đảm sức khỏe tốt cho việc học buổi chiều”.

vinh-tuy-1.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng).

Qua khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, nếu như quy định về định mức giờ làm việc với giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết/tuần thì hiện nay hầu hết giáo viên đều làm vượt định mức này.

Một giáo viên cấp trung học cơ sở (xin giấu tên) chia sẻ: “Do thiếu giáo viên, chúng tôi cố gắng hỗ trợ nhau nên đều đã làm việc vượt số giờ quy định, khá mệt và căng thẳng. Trước yêu cầu nhiệm vụ và nhiều yếu tố khác hiện nay, chúng tôi thực sự áp lực khi nhận thêm nhiệm vụ ngoài chuyên môn”.

“Để tổ chức bán trú tốt hơn và đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh học sinh, thực hiện chỉ đạo của cơ quan quản lý, nhà trường tạm dừng việc tổ chức bán trú để rà soát, bổ sung, hoàn thiện các điều kiện. Nhà trường mong muốn phụ huynh học sinh tiếp tục dành thời gian tham gia cùng hỗ trợ, kiểm tra, giám sát công tác tổ chức bán trú trong thời gian tới” - bà Hoàng Thị Thu Trinh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Yên Nghĩa thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ diễn biến mới ở trường bị tố “bữa ăn bán trú lèo tèo”: Đôi điều trăn trở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.