Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì mục tiêu lâu dài

Hoàng Hà| 24/04/2021 05:31

(HNM) - Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao tầm vóc, thể lực và chất lượng cuộc sống của người dân luôn là mục tiêu quan trọng được Đảng, Nhà nước ta đặt ra trong những năm qua. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, sức khỏe của người dân, đặc biệt là tầm vóc người Việt được cải thiện rõ rệt.

Tin vui đến từ kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020 vừa được công bố là chiều cao trung bình nam thanh niên Việt Nam tăng 3,7cm so với năm 2010; nữ tăng 1,4cm so với năm 2010; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm liên tục và bền vững... Theo dự báo, nếu có chiến lược đầu tư chế độ dinh dưỡng và luyện tập đầy đủ, đúng cách, chiều cao và sức bền của người Việt sẽ tiếp tục được cải thiện.

Thực tế cho thấy, có nhiều yếu tố tác động đến sự phát triển tầm vóc của con người, như: Yếu tố di truyền, dinh dưỡng, hoạt động thể lực, môi trường... song dinh dưỡng vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Theo các chuyên gia, trẻ em Việt Nam thấp bé, nhẹ cân là do không được cung cấp đủ dinh dưỡng trong giai đoạn 1.000 ngày đầu đời, dẫn đến suy dinh dưỡng hoặc thiếu vi chất. Thực tế này vẫn đang xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là các vùng kinh tế - xã hội còn khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển thể lực, tầm vóc của trẻ.

Để liên tục cải thiện tầm vóc, thể lực của người dân đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp, ngành, địa phương, trong đó ngành Y tế là nòng cốt. Theo đó, nhiệm vụ cần làm là tiếp tục thực hiện nghiêm Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 2-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình sức khỏe Việt Nam.

Hướng đến mục tiêu Chương trình sức khỏe Việt Nam đề ra là đến năm 2030, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam (18 tuổi) nam đạt 168,5cm, nữ đạt 157,5cm; giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi xuống còn dưới 15%... trước mắt các cấp, ngành, địa phương cần chủ động can thiệp để cải thiện tích cực chế độ dinh dưỡng cho trẻ, nhất là trong 1.000 ngày đầu đời; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ. Ngoài ra, cần chú trọng bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho học sinh, nhất là nhóm học sinh tuổi tiền dậy thì và dậy thì, giúp trẻ phát triển tốt nhất về thể lực và tầm vóc.

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu kiến thức chăm sóc trẻ, các ngành, địa phương, nhất là ngành Y tế cần đa dạng hóa các phương thức truyền thông đối với phụ nữ có thai, bà mẹ nuôi con nhỏ, người chăm sóc trẻ về: Chế độ dinh dưỡng cho trẻ; lợi ích của việc khám thai định kỳ, chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ có thai; cho trẻ ăn uống hợp lý, bổ sung đủ vi chất dinh dưỡng…, giúp họ có kiến thức nuôi dạy trẻ tốt nhất.

Cùng với việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ, các địa phương, nhà trường, mỗi gia đình cần tạo điều kiện tăng cường vận động thể chất cho trẻ em, học sinh như: Duy trì hoạt động thể dục đầu giờ, giữa giờ, bảo đảm số giờ thể dục trong chương trình chính khóa; bảo đảm không gian, cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các hoạt động luyện tập, rèn luyện thể dục, thể thao của học sinh.      

Song song, các cấp, ngành, địa phương và mỗi gia đình cần chú trọng chăm sóc sức khỏe trẻ em thông qua việc tiêm chủng đầy đủ vắc xin theo Chương trình tiêm chủng mở rộng; nâng cao chất lượng mạng lưới cung cấp dịch vụ tiêm chủng...

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, chắc chắn việc nâng cao sức khỏe, tầm vóc người Việt - mục tiêu quan trọng, lâu dài mà Đảng và Nhà nước đề ra - sẽ đạt được kết quả tích cực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì mục tiêu lâu dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.