(HNM) - Trong khi nguy cơ nợ xấu gia tăng do khó khăn của người vay từ tác động của dịch bệnh, hệ thống ngân hàng thương mại đã, đang có nhiều giải pháp chia sẻ, đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh và giải quyết việc làm cho người lao động.
Các chính sách nổi bật, thiết thực, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao là các ngân hàng thương mại đã đồng loạt cơ cấu lại thời hạn trả nợ; giữ nguyên nhóm nợ; giảm lãi suất cho vay; miễn phí các loại dịch vụ... Để thực hiện được những hỗ trợ quan trọng này, tùy theo “sức khỏe” của mình, các ngân hàng thương mại đã linh hoạt tiết giảm chi phí hoạt động cũng như chia sẻ trực tiếp từ nguồn lợi nhuận đạt được. Một sự chủ động nữa là các ngân hàng đều tăng trích lập quỹ dự phòng rủi ro. Đây là biện pháp quan trọng giúp các tổ chức tín dụng bảo đảm an toàn hệ thống một cách cao nhất trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu tác động bởi dịch Covid-19.
Trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, việc các ngân hàng giữ được “sức khỏe” sẽ góp phần quan trọng bảo đảm “mạch máu lưu thông” cho nền kinh tế. Với ý nghĩa đó và trên tinh thần "đồng cam cộng khổ", các ngân hàng thương mại cần tiếp tục chủ động cân đối khả năng tài chính; tiết giảm chi phí quản lý, vận hành, tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới để tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn.
Cùng với đó, trên cơ sở kế hoạch kinh doanh, các ngân hàng thương mại cần kiểm soát quy mô và nâng cao chất lượng tín dụng; tạo thuận lợi về thủ tục hành chính cũng như các điều kiện liên quan để khách hàng tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn. Đặc biệt, cần tập trung đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn đối với những khoản vay cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo quy định; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng...
Ở tầm vĩ mô, trên cơ sở đánh giá những diễn biến khách quan của nền kinh tế trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp, đặc biệt là việc đang thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều địa phương, ngành Ngân hàng cần sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, hiệu quả, giữ vững ổn định vĩ mô, hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người dân với hoạt động của ngân hàng. Việc điều chỉnh hoặc thiết kế chính sách mới (nếu có) phải tính toán dựa trên yêu cầu thực tiễn, mà trước hết là bảo đảm được những mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và nguồn tài chính của các tổ chức tín dụng. Song song là tìm biện pháp hỗ trợ tốt hơn, chủ động hơn để trợ lực kịp thời cho các doanh nghiệp; phối hợp các chính sách có tính dài hạn, vừa giảm bớt khó khăn trước mắt vừa bảo đảm nguồn lực phục hồi nền kinh tế khi kết thúc giãn cách xã hội, dịch bệnh được kiểm soát.
Đối với các doanh nghiệp, cần sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, đúng mục đích. Muốn vậy, các doanh nghiệp phải nâng cao hiệu suất sản xuất, kinh doanh bằng cách chủ động đổi mới về quản trị, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao… Phải xác định, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng chính là thước đo, điều kiện quan trọng để các ngân hàng đẩy mạnh hợp tác cho vay vốn.
Ngân hàng - doanh nghiệp kết nối chặt chẽ, cùng tháo gỡ khó khăn trong thanh khoản tín dụng cũng như thực thi các chính sách hỗ trợ là góp phần thực hiện mục tiêu chung, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, vừa phòng, chống dịch hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.