Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì mục tiêu chung

Bắc Vũ| 06/04/2022 06:10

(HNM) - Lâu nay, vấn đề quá tải trường, lớp học ở một số quận trên địa bàn Hà Nội luôn là chủ đề “nóng”, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Do đó, ngành Giáo dục Thủ đô xác định, giải được “bài toán” khó này chính là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục.

Nguyên nhân căn bản khiến sĩ số học sinh/lớp tại Hà Nội trong nhiều năm qua luôn vượt quá quy định tại Điều lệ trường học của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, dân số cơ học tăng nhanh, trong khi hạ tầng trường, lớp chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng này ở khu vực nội thành “căng thẳng” hơn so với khu vực ngoại thành. Vì thế, khó khăn càng chồng chất khi quỹ đất để xây dựng trường mới hoặc mở rộng trường rất eo hẹp, thậm chí “bất khả thi”. Bên cạnh lý do chủ quan như nói trên, thì ở một số nơi vẫn còn hiện tượng “chạy trường, chạy lớp” dẫn đến sĩ số học sinh/lớp không bảo đảm theo quy định.

Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng thành phố Hà Nội đã, đang nỗ lực từng bước giải quyết vấn đề quá tải cục bộ trường, lớp học theo hướng bền vững. Ở góc độ quản lý nhà nước và công tác chuyên môn, đó là điều chỉnh tuyến tuyển sinh; dần tạo sự đồng đều về chất lượng dạy học; mở rộng hệ thống trường ngoài công lập; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo… Còn về đầu tư cơ sở hạ tầng, các địa phương đã ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng mới trường học; đồng thời nghiên cứu mở rộng trường, lớp học phù hợp với thực tế.

Với mục tiêu giữ vững vị thế “đầu tàu” về giáo dục cả nước, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Công văn số 347-CV/TU ngày 30-3-2022 về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ về phát triển giáo dục, đào tạo của Thủ đô, trong đó yêu cầu xây dựng và triển khai quyết liệt kế hoạch nhằm mục tiêu giảm sĩ số học sinh/lớp.

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, vấn đề cốt yếu nhất hiện nay là các địa phương cần phối hợp với cơ quan chức năng tiếp tục rà soát mạng lưới, đánh giá quy mô, mức độ quá tải trường, lớp học (nếu có) để đưa ra các giải pháp phù hợp cả về đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Song song đó, ngành Giáo dục Thủ đô cần đưa ra những dữ liệu chính xác về chiến lược phát triển của ngành để phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, sở, ngành chức năng nhằm quy hoạch và xây dựng mạng lưới trường học phù hợp với nhu cầu từng khu vực, địa bàn dân cư. Trong đó, đặc biệt lưu ý các địa phương khi quy hoạch, xây dựng mới các khu đô thị, nhà chung cư phải kiên quyết thực hiện mục tiêu dành quỹ đất để xây dựng trường học. Trong trường hợp địa phương không còn quỹ đất thì có thể nghiên cứu cấp phép xây dựng mở rộng trường, lớp học trong điều kiện cho phép và đúng quy định pháp luật.

Cùng với việc từng bước đáp ứng về cơ sở hạ tầng, ngành Giáo dục Thủ đô cần tiếp tục làm tốt công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp; tạo sự đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền. Đặc biệt, việc phân tuyến tuyển sinh phải được thực hiện nghiêm túc từ cấp quản lý đến mỗi phụ huynh học sinh. Bởi, khi vẫn còn những cha mẹ có tâm lý muốn cho con học “trường tốt” dù trái tuyến, mà cấp quản lý không siết chặt kiểm tra, giám sát thì việc đổ xô vào trường điểm, gây quá tải cục bộ sẽ còn tiếp diễn…

Nỗ lực giảm sĩ số học sinh/lớp theo đúng quy định rất cần sự chung sức, đồng lòng của các bên liên quan, vì mục tiêu chung là nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì mục tiêu chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.