(HNMCT) - Thủ đô Hà Nội có truyền thống ngàn năm văn hiến, là “trái tim” của cả nước. Ý thức rõ vị trí, vai trò quan trọng đó, với sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Trung ương và cả nước, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn nỗ lực xây dựng, phát triển thành phố xứng tầm “trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế” của quốc gia và khu vực.
Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Chính trị đã ghi nhận, khẳng định những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đạt được. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 6,83%/năm, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước; thu nhập bình quân GRDP năm 2020 đạt 5.325USD/người. Sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội được bảo đảm; diện mạo Thủ đô ngày càng hiện đại, văn minh...
Đó là những thành tựu đáng tự hào. Thực tế nhiều năm qua Thành phố đã hết sức quan tâm, chú trọng phát triển con người, văn hóa. Đời sống an sinh xã hội ở Thủ đô luôn được bảo đảm và có không ít mô hình trở thành hình mẫu cho cả nước. Song, với tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng người nhập cư lớn, bên cạnh nguồn lực lớn cho phát triển, thực tế cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là về lối sống, văn hóa ứng xử. Một thành phố có văn minh, hiện đại hay không, bên cạnh việc đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng xã hội thì thành tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định chính là con người. Không phải vô cớ mà người Hà Nội được gắn với danh xưng “người Tràng An”, hiểu một cách đơn giản thì đó là phẩm chất thanh lịch, ứng xử văn minh, không lẫn với bất cứ nơi đâu. Những truyền thống tốt đẹp ấy vẫn được các thế hệ người Hà Nội trân trọng, giữ gìn, trao truyền, lan tỏa.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, những mặt trái, tiêu cực vẫn len lỏi, tác động xấu, nhất là ảnh hưởng đến văn hóa ứng xử của người Hà Nội. Năm 2017, Thành phố đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thủ đô. Việc thực hiện đồng bộ hai quy tắc ứng xử này đã tạo chuyển biến tích cực, góp phần hạn chế những hành vi chưa đẹp, định hướng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Tình trạng vứt rác bừa bãi, tiểu tiện không đúng chỗ... đã giảm đáng kể. Những khu sân chơi sáng tạo, những mảng bích họa hay “tuyến đường nở hoa”... xuất hiện ngày càng nhiều cả ở nội và ngoại thành. Cũng không thể không nhắc tới những phong trào đổi rác lấy cây xanh, vật dụng làm từ đồ tái chế hay cùng nhau dọn vệ sinh vào dịp cuối tuần ở các khu dân cư... Tất cả đã tạo nên hình ảnh Thủ đô văn minh, thân thiện, mến khách.
Nhưng, bên cạnh những chuyển biến tích cực, cũng dễ nhận thấy một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng chưa hoàn thành, nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác, phát huy đầy đủ. Công tác phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa thực sự tương xứng với vai trò, vị thế, tiềm năng và nền tảng lịch sử - văn hóa ngàn năm văn hiến... Đó là điều đáng phải suy nghĩ.
Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vừa được Bộ Chính trị ban hành, đặt mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế, giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô. Đó là một mục tiêu lớn và khó, đòi hỏi không chỉ sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân đang sinh sống, làm việc tại Thủ đô thông qua những hành vi ứng xử mỗi ngày nhằm chung tay xây dựng Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, một điểm đến đáng đến, một thành phố đáng sống!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.