Hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Thủ đô Hà Nội không chỉ chiến đấu kiên cường, mà còn ra sức thi đua, tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì thống nhất đất nước.
Trong bộn bề khó khăn sau Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954, lòng người dân Hà Nội vẫn luôn “hướng về miền Nam” tuyến đầu Tổ quốc đấu tranh chống Mỹ và tay sai phá hoại Hiệp định Geneve 1954. Nhiều nhà máy, công viên xây dựng mới mang tên thể hiện nguyện vọng thiết tha của cả dân tộc như nhà máy “Diêm Thống Nhất”, công viên “Thống Nhất”, nhà máy “Điện cơ Thống Nhất”… Ngày 19-3 và ngày 20-7 hằng năm, đông đảo nhân dân Thủ đô Hà Nội rầm rộ tham gia mít tinh, biểu tình, biểu dương lực lượng kiên quyết đấu tranh chống Mỹ và tay sai, ủng hộ đồng bào miền Nam. Kịch liệt phản đối những cuộc tàn sát dã man của chính quyền tay sai, nhiều cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội có tới hàng chục vạn người tham gia.
Ngày 8-10-1960, Thủ đô Hà Nội tổ chức lễ mít tinh, kết nghĩa với thành phố Huế, thành phố Sài Gòn quật cường. Tại lễ kết nghĩa, bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố thay mặt nhân dân Hà Nội, khẳng định và đề cao mối tình đoàn kết, gắn bó ruột thịt giữa nhân dân Thủ đô Hà Nội với nhân dân thành phố Huế kiên cường, nhân dân Sài Gòn “Thành đồng Tổ quốc”. Phong trào kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn được mở rộng và phát triển mạnh mẽ. Trên mặt phố Tràng Tiền, gần quảng trường Nhà hát Lớn thành phố - nơi đã diễn ra cuộc mít tinh lịch sử, chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm xưa có hiệu sách kết nghĩa “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”….
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III về đẩy mạnh xây dựng hậu phương vững mạnh, ủng hộ sự nghiệp giải phóng miền Nam, nhân dân Thủ đô Hà Nội đã thực hiện nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất và nhiều hoạt động hướng về miền Nam yêu dấu.
Tháng 4-1962, nhà máy xe lửa Gia Lâm đã khởi xướng phong trào thi đua “Ngày thứ bảy đẩy mạnh đấu tranh thống nhất Tổ quốc”. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị, phục hồi nhiều chi tiết, thiết bị máy móc của đầu máy, toa xe... Phong trào đã được đông đảo lao động Thủ đô nhiệt liệt hưởng ứng, khí thế lao động với tinh thần “Vì miền Nam” lên cao.
Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ III đã quyết định phát triển phong trào “Ngày thứ bảy đẩy mạnh đấu tranh thống nhất Tổ quốc” thành phong trào thi đua của các nhà máy, xí nghiệp toàn thành phố. Những địa danh ghi dấu chiến công vẻ vang của quân dân miền Nam như Ấp Bắc, Vạn Tường, Ba Gia, Bình Giã… được đặt tên cho các công trình mới xây dựng, cho các sản phẩm mới có chất lượng tốt của công nghiệp Hà Nội.
Từ giữa năm 1959, sau Nghị quyết 15-NQ/TƯ về cách mạng miền Nam, Hà Nội vinh dự ngay từ đầu tham gia nhiều hoạt động nghĩa tình chi viện cho miền Nam. Từ Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo, phát tuyến “đường mòn” giải phóng - Đường 559 - Đường Hồ Chí Minh. Lần thứ 2, những đoàn quân Nam tiến lại lặng lẽ lên đường! Những tinh hoa của mọi miền đất nước tụ họp về đây để “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Nhiều số nhà ghi dấu là nơi mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ đi “B”. Nhiều làng xóm ngoại thành là nơi đóng gói, sông Tô Lịch là nơi thử nghiệm, bảo quản, vận chuyển vũ khí, trang bị… chi viện cho tiền tuyến miền Nam.
Bị thất bại nặng nề trên chiến trường, đế quốc Mỹ liều lĩnh mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc. Thủ đô Hà Nội là mục tiêu tổng hợp mà đế quốc Mỹ nhắm tới nhằm đạt được ý đồ đen tối. Thực hiện lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt” tại Hội nghị chính trị đặc biệt, cả Hà Nội đã dấy lên khí thế bừng bừng hưởng ứng lời kêu gọi của Người.
Ngày 30-5-1964, Thành ủy Hà Nội đã ra Nghị quyết về “đẩy mạnh cao trào thi đua “mỗi người làm việc bằng hai”, ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc, tích cực ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam”. Thực hiện Nghị quyết của Thành ủy, cao trào thi đua “mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt” phát triển mạnh mẽ trong tất cả các nhà máy, xí nghiệp, công trường và khắp làng quê Thủ đô, tạo ra khí thế mới trong toàn quân, toàn dân thành phố.
Chỉ sau 4 ngày đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, ngày 9-8-1964, Thành đoàn Hà Nội đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng” với 26 vạn thanh niên Thủ đô tham gia. Phong trào đã mở đầu cho phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên toàn miền Bắc, động viên hàng triệu thanh niên xung phong tòng quân ra chiến trường chiến đấu. Hơn 25 vạn thanh niên Thủ đô hăng hái tham gia luyện tập hành quân đường dài, rèn luyện sức khỏe, dẻo dai “vai trăm cân, chân vạn dặm”, sẵn sàng lên đường đi chiến đấu. Mỗi tên làng, khối phố lại ngời lên tinh thần xung phong tòng quân, quyết tâm chiến đấu. Đó là Đông Dư, Bát Tràng, Yên Viên (Gia Lâm); Mai Dịch (Từ Liêm); Đông Hội (Đông Anh); Kim Mã (Ba Đình); Đức Viên (Hai Bà Trưng)…
Phong trào thi đua “mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, phong trào “Ba sẵn sàng” đã cộng hưởng thành cao trào thi đua chống Mỹ, cứu nước trên toàn thành phố và lan tỏa ra cả nước.
Năm 1965, từ mảnh đất Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội (khi đó thuộc tỉnh Hà Tây) đã khởi xướng phong trào rèn luyện tại địa phương về kỹ thuật chiến đấu, ném lựu đạn, tập hành quân xa, mang vác nặng... với cây gậy tầm vông, giúp chân đi ngàn dặm, vượt đèo, dốc núi, sẵn sàng nhập ngũ…Phong trào đã được thanh niên miền Bắc nhiệt liệt hưởng ứng. Hòa Xá đã trở thành quê hương của “Chiếc gậy Trường Sơn” thôi thúc thanh niên rèn luyện, lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã cho ra đời ca khúc nổi tiếng “Chiếc gậy Trường Sơn”.
Cũng vào thời điểm này, nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ năm 1965, Hội Phụ nữ huyện Đan Phượng (khi đó thuộc tỉnh Hà Tây) đã phát động phong trào “Ba đảm nhiệm”. Ban đầu, phong trào có 3 nội dung: “1. Đảm nhiệm sản xuất thay chồng con đi chiến đấu; 2. Đảm nhiệm gia đình để chồng con yên tâm công tác; 3. Đảm nhiệm sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết”. Nhạc sỹ Nhật Lai đã kịp thời ca ngợi phong trào này trong ca khúc “Hà Tây quê lụa”, với những ca từ đầy tự hào, đằm thắm “Đan Phượng ơi, quê hương người gái đảm…”. Sau đó ít lâu, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam đã tiếp nhận và phát động thành phong trào “Ba đảm đang” ra toàn miền Bắc.
Phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ Thủ đô có nhiều đóng góp lớn. Trong nhiều nhà máy, xí nghiệp, công trường, phụ nữ thực hiện “nhận thêm việc, làm thêm giờ thay cho người đi chiến đấu”. Phụ nữ thực hiện tự quản phát triển trong nhiều nhà máy như: Cơ khí Trần Hưng Đạo, nhà máy Dệt 8-3, nhà máy ô tô 1-5, nhà máy gỗ Cầu Đuống, nhà máy Dược phẩm 1… Ở các huyện ngoại thành, phong trào thi đua chăm bón ruộng đồng, tăng năng suất, tăng sản lượng lương thực, thực phẩm bán cho Nhà nước, như Mễ Trì (Từ Liêm), Hải Bối (Đông Anh), Cổ Bi (Gia Lâm)…
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Thủ đô Hà Nội đã tập trung xây dựng hệ thống các nhà máy, xí nghiệp sản xuất phục vụ quốc phòng. Nhà máy cơ khí Hà Nội (nhà máy Chế tạo công cụ số 1), nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, nhà máy cơ khí Giải Phóng, cơ khí Quang Trung, nhà máy ô tô Hòa Bình, ô tô Gia Tự, ô tô 1-5, ô tô 3-2, ô tô Đại Mỗ… sản xuất nhiều mặt hàng phục vụ quân đội, bảo đảm giao thông các tuyến vận tải chi viện tiền tuyến. Nhiều nhà máy sản xuất dược phẩm, quân trang như Dược phẩm 1, Dược phẩm 2, May 10, X 40, Giày Thượng Đình… luôn bảo đảm kế hoạch phục vụ quốc phòng.
Đặc biệt, quân và dân Thủ đô đã thực hiện tốt nhiệm vụ giữ vững mạch máu giao thông. Hà Nội là Tổng kho, Tổng trạm trung chuyển hàng hóa, chi viện nguồn lực cho tiền tuyến miền Nam.
Từ tháng 8-1965, Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết về bảo đảm giao thông vận tải, coi đây là nhiệm vụ trung tâm của thành phố. Thành phố đã nhanh chóng xây dựng hệ thống cầu, phà dự phòng; xây dựng nhiều đường vòng, đường tránh để ứng phó kịp thời khi địch đánh vào các nút giao thông, các cầu của thành phố.
Các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp phục vụ giao thông được xây dựng và phát triển vượt bậc. Trong 3 năm 1965-1967, đầu tư cho giao thông vận tải gấp 5,5 lần đầu tư trong kế hoạch 1961-1965. Lực lượng đảm bảo giao thông hàng ngàn người được tổ chức, biên chế chặt chẽ và huấn luyện ứng phó với nhiều tình huống giả định địch sẽ đánh phá. Các đội “thanh niên xung kích”, đội “cảm tử vượt sông” được củng cố và tăng cường khả năng ứng phó trong mọi tình huống với phương châm “bốn tại chỗ”. Nhiều xã ngoại thành tham gia bảo vệ các đoạn đường chạy qua, bảo vệ bến phà sở tại, bảo vệ chân hàng ở các ga xe lửa…
Bảo đảm mạch máu giao thông qua Thủ đô, qua “Trái tim của cả nước”, bảo đảm việc cung ứng kịp thời, đầy đủ hàng hóa, vật tư, thiết bị, hậu cần… cho tiền tuyền từ Thủ đô, qua Thủ đô là mệnh lệnh thiêng liêng. Lực lượng bảo đảm giao thông, bảo vệ và vận chuyển hàng hóa thường xuyên hàng ngàn người, nhiều khi lên đến mấy ngàn người. Thành phố đã bố trí hơn 1.000 điểm giải tỏa, phân tán để bảo vệ hàng chục ngàn tấn hàng hóa, thiết bị ở các ga trung chuyển như Yên Viên, Đông Anh, Văn Điển… có vị trí như các “cảng nổi”. Nhiều chân hàng vừa rời xong thì máy bay Mỹ ném bom hủy diệt. Khi tình huống ác liệt nhất, cầu Long Biên bị đánh sập, các bến phà, cầu phao đã bảo đảm thông đường cho hơn 2 vạn lượt người và hơn 6.000 lượt xe ô tô qua sông, giao thông không bị ứ đọng. Mạch máu từ Trái tim vẫn truyền đều và đủ cho nửa thân mình đang chiến đấu!
Đây mới chỉ là một lát cắt trong những trang vàng lịch sử oai hùng của Hà Nội những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhưng đủ cho thấy chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một" và chiến thắng 30-4-1975 là lẽ tất yếu, không thể khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.