Chính trị

Thủ đô Hà Nội - "Trái tim" của hậu phương lớn miền Bắc

Minh Nguyệt 30/04/2025 - 07:29

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ mùa Xuân lịch sử năm 1975, hôm nay, đất nước trùng phùng trong lễ kỷ niệm thiêng liêng. Giữa bản hùng ca chiến thắng vĩ đại giành lại hòa bình, độc lập và thống nhất, Hà Nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến, anh hùng hiện lên như một dấu son rực rỡ với vai trò là "trái tim" của hậu phương lớn miền Bắc và là điểm tựa cho niềm tin vào thắng lợi cuối cùng.

bo-doi.jpg
Tiễn đưa thanh niên của khu Đống Đa (thành phố Hà Nội) lên đường nhập ngũ, tháng 8-1964. Ảnh: TTXVN

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Muốn khởi nghĩa phải có căn cứ địa, muốn kháng chiến phải có hậu phương”. Tháng 12-1965, Hội nghị lần thứ mười hai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã khẳng định: “Miền Nam là tiền tuyến lớn, là chiến trường chính hiện nay. Miền Bắc là hậu phương lớn của miền Nam”.

Nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí của mình, ngay từ những năm tháng miền Bắc bước vào kỷ nguyên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hà Nội đã sớm khẳng định vai trò đầu tàu.

Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ nhất (diễn ra tháng 4-1959) đã tổng kết, đánh giá: “Các xí nghiệp công nghiệp đều vượt mức kế hoạch trên những chỉ tiêu chủ yếu, hiệu suất lao động ở các xí nghiệp quốc doanh tăng trung bình 20% so với năm 1957”.

Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ II diễn ra đầu năm 1961 tiếp tục ghi nhận: “Hà Nội đã chuyển từ thành phố tiêu thụ sang một thành phố sản xuất công nghiệp”, “Sản xuất công nghiệp của thành phố tổng giá trị sản lượng năm 1960 tăng 54,5% so với năm 1957 và tăng gấp 3 lần so với năm 1955”, “so với năm 1957, diện tích lúa chiêm tăng 1/4 và sản lượng năm 1959 tăng gấp 2 lần”...

Trong bối cảnh đất nước bị chia cắt, chưa khi nào Hà Nội nguôi nhiệm vụ thống nhất nước nhà. Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IV diễn ra tháng 4-1968 đã khẳng định, bất kể tình hình phát triển như thế nào, phải cùng cả nước đem hết sức giữ vững miền Bắc, chuẩn bị đầy đủ mọi mặt để đập tan cuộc tấn công của đế quốc Mỹ bằng không quân vào Thủ đô, làm tốt công tác sơ tán phòng không nhân dân, hạn chế thiệt hại của ta về người và của. Đặc biệt, Thủ đô xác định rõ tinh thần: Phải nỗ lực chi viện không điều kiện cho miền Nam, thực hiện khẩu hiệu “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”...

Với tinh thần đó, cả Hà Nội đã kết thành một khối sắt đá kiên cường và sáng tạo thực hiện sứ mệnh hậu phương. Ngay đầu những năm 1960, các phong trào kết nghĩa Hà Nội - Sài Gòn - Huế đã được phát động trong nhân dân Thủ đô. Cùng với đó là phong trào “Ngày thứ bảy đẩy mạnh sản xuất đấu tranh thống nhất Tổ quốc”. Diễn biến của cuộc kháng chiến càng nhanh, càng khó khăn, gấp gáp, các phong trào thi đua cách mạng ở Thủ đô lại càng mạnh mẽ.

“Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”... liên tiếp ra đời và nhanh chóng lan tỏa, trở thành động lực to lớn cho cả miền Bắc. Chỉ tính riêng phong trào “Ba đảm đang” do Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội phát động, năm 1965, sau 2 tháng phát động ra toàn miền Bắc, đã có 1,7 triệu phụ nữ đăng ký tham gia.

Bất chấp khó khăn và bị không quân Mỹ đánh phá ngày càng ác liệt, Hà Nội vẫn trở thành trung tâm chi viện sức người, sức của không ngừng nghỉ cho tiền tuyến miền Nam đúng với tinh thần "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ”. Hàng đoàn quân, lớp lớp thanh niên Thủ đô hăng hái lên đường "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", mang theo ý chí và khát vọng hòa bình, thống nhất. Những chuyến xe chở đầy lương thực, thuốc men, vũ khí, đạn dược nối đuôi nhau vào Nam, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả niềm tin sắt son vào ngày toàn thắng.

Chỉ tính riêng chi viện về “sức người”, từ năm 1965 đến năm 1975, Hà Nội đã tiến hành 29 đợt tuyển quân, động viên hơn 8,6 vạn thanh niên chi viện cho các chiến trường miền Nam; trong đó quân tăng cường là 119 tiểu đoàn (gồm 42 tiểu đoàn của Hà Nội và 77 tiểu đoàn của tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội). Hàng nghìn gia đình có từ 2 đến 7 người con đi bộ đội; trên 53.000 người con ưu tú của Hà Nội và Hà Tây đã anh dũng hy sinh và hàng vạn người đã cống hiến một phần xương máu vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

2. Không chỉ hoàn thành xuất sắc vai trò “trái tim” của hậu phương lớn, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam, Hà Nội còn là biểu tượng của niềm tin vào thắng lợi cuối cùng.

Trước những trận tấn công ác liệt của cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, Thủ đô đã chủ động ứng phó, chống trả quyết liệt. Điểm nhấn thành công vô cùng quan trọng là Thủ đô đã bảo vệ vững chắc các cơ quan Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước - "bộ não" của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những năm tháng ấy, mỗi con phố, mỗi mái nhà đều đã trở thành một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ. Hình ảnh những chiến sĩ dũng cảm trên mâm pháo, những công nhân, nông dân vừa làm nhiệm vụ lao động, sản xuất, vừa chiến đấu hiên ngang giữa khói lửa đã đi vào lịch sử như một minh chứng cho ý chí "không có gì quý hơn độc lập, tự do".

Đỉnh cao của điểm tựa niềm tin mang tên Hà Nội là chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" mùa Đông năm 1972. Quân và dân Thủ đô đã cùng quân dân miền Bắc bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 "siêu pháo đài bay" B-52, đập tan hoàn toàn chiến lược không quân của đối phương. Đây là tiền đề cho thắng lợi trên bàn đàm phán Hiệp định Paris năm 1973 buộc Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi Việt Nam. Chiến thắng oanh liệt này đã tạo một bước ngoặt lịch sử, mở ra thời cơ chiến lược cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, đất nước bước sang một trang sử mới, hòa bình và phát triển. Trong giờ phút thiêng liêng, xúc động, tự hào cùng nhìn lại chiến thắng vĩ đại 30-4-1975, chúng ta càng thấu hiểu sâu sắc rằng, đây là chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có vai trò chiến đấu anh hùng, bất khuất của đồng bào, chiến sĩ miền Nam đồng thời có vai trò to lớn của hậu phương miền Bắc mà Hà Nội là trái tim, là trung tâm. Sự hy sinh, đóng góp của Hà Nội làm nên ngày hội thống nhất non sông càng tô thắm thêm những trang sử vàng của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, anh hùng.

Đây sẽ là nguồn động lực tinh thần to lớn để Thủ đô Hà Nội vững vàng, tự tin thực hiện sứ mệnh tiên phong trong cuộc cách mạng mới của đất nước, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ đô Hà Nội - "Trái tim" của hậu phương lớn miền Bắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.