(HNM) - Trong những ngày tiếp quản Thủ đô, có một lực lượng trẻ đã đóng góp tích cực trong hoạt động này là Đội Thanh niên xung phong công tác tiếp quản Thủ đô. 65 năm đã qua, những chàng trai, cô gái năm xưa nay đều đã ngoài 80 tuổi nhưng ký ức về những ngày tháng sôi động đó vẫn vẹn nguyên. Đó là hành trang để họ nỗ lực, phấn đấu trong học tập, công tác góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cho đến hôm nay, những cựu thanh niên xung phong ấy vẫn tiếp tục truyền ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng cho thế hệ trẻ...
Những thời khắc đáng nhớ
Chúng tôi được gặp các cựu thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô cách đây 65 năm vào một ngày đầu tháng 10. Thời gian qua đi, họ đều đã ngoài 80 tuổi, nhưng ký ức trong mỗi đội viên vẫn không phai mờ...
Vào tháng 7-1954, thực hiện chủ trương tiếp quản Thủ đô Hà Nội của Trung ương Đảng và Chính phủ, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam đã thành lập Đội Thanh niên xung phong công tác tiếp quản Thủ đô tại đình làng Sòng (xã An Khánh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Nhớ lại ngày đó, ông Chu Điềm, đội viên kể: “Đúng vào thời điểm lịch sử đất nước sang trang với chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bình lập lại ở miền Bắc, lực lượng cách mạng chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô, trong đó có chúng tôi. Toàn đội có hơn 300 anh chị em, được tuyển chọn từ những học sinh, đoàn viên ưu tú đang học cuối cấp III các trường trung học kháng chiến. Tôi cũng như các anh chị em khác, ai nấy đều rất phấn khởi và tự hào, mong muốn được tham gia công tác, góp phần nhỏ bé giải phóng Thủ đô, xây dựng đất nước”.
Với bà Đặng Thị Ngữ, nhiệt huyết sôi động của thời kỳ làm nhiệm vụ thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô vẫn thấm đượm từ thuở ấy đến tận bây giờ, khi đã 84 tuổi. Bà Ngữ nhớ lại: “Thời gian để học tập và chuẩn bị cho công tác tiếp quản gần hai tháng. Chúng tôi khẩn trương bắt tay ngay vào học tập chính trị, thời sự, nội quy đội; học tập 8 chính sách của Đảng, Chính phủ đối với đồng bào vùng mới giải phóng và 10 điều kỷ luật trước khi vào tiếp quản Thủ đô. Chúng tôi được phát ba lô, quần áo thanh niên xung phong, đội viên nữ có thêm váy áo, giày, mũ rất đẹp. Đến cuối tháng 9-1954, đội nhận lệnh rời nơi thành lập, chia làm hai cánh quân tiến về Thủ đô. Sau 6 ngày hành quân bộ vượt qua hàng trăm kilômét, đội tập kết ở thị xã Hà Đông rồi cùng bộ đội hành quân vào nội thành Hà Nội làm tiền trạm, thực hiện nhiều công việc khác nhau để chuẩn bị tiếp quản Thủ đô”.
Là đội viên nói được tiếng Pháp, được giao nhiệm vụ làm liên lạc giúp bộ đội tiếp nhận các cơ sở bệnh viện, nhà máy, trường học, buộc quân Pháp phải bàn giao đầy đủ trang thiết bị, máy móc cho ta, ông Nguyễn Địch kể: “Quân Pháp bàn giao, rút đến đâu, các đội viên còn vận động nhân dân làm vệ sinh sạch sẽ đến đó”.
Ngoài lực lượng tham gia cùng bộ đội tiếp quản các cơ sở hành chính, quân sự của địch, nhiều đội viên Đội Thanh niên xung phong công tác tiếp quản Thủ đô phải bí mật đến các ngõ xóm, khu phố (vì đang trong thời kỳ “thiết quân luật” của địch) tuyên truyền, vận động người dân tin tưởng, hiểu biết chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, từ đó yên tâm, phấn khởi cùng chuẩn bị chào mừng ngày Thủ đô giải phóng. Đưa chúng tôi xem những tấm ảnh kỷ niệm về thời gian đáng tự hào đó, bà Lê Thị Túy cho biết: “Khi gặp gỡ, người dân hết sức ngạc nhiên vì thấy chúng tôi, những thanh niên vùng kháng chiến cũng được đi học đến bậc tú tài và cao hơn nữa, biết tiếng Pháp, tiếng Anh, nên họ rất cảm tình. Tuy nhiên, công việc không dễ dàng do có nhiều vấn đề nảy sinh. Đơn cử như công tác vệ sinh môi trường, chúng tôi phải vận động và làm trước để họ cùng làm theo”.
Sáng 10-10-1954, các đội viên Đội Thanh niên xung phong công tác tiếp quản Thủ đô hướng dẫn nhân dân cùng xuống đường đón chào bộ đội từ 5 cửa ô tiến vào. Hàng vạn người dân, già có, trẻ có, đủ các tầng lớp, ăn mặc chỉnh tề, tay cầm cờ hoa, biểu ngữ, giương cao ảnh Bác Hồ, nét mặt rạng rỡ, tươi cười chào đón bộ đội. Tiếng trống, tiếng reo mừng âm vang khắp các phố phường. Đoàn quân đi đến đâu, thanh thiếu niên lại nắm tay nhau nhảy múa, ca hát những bài đã được các đội viên hướng dẫn...
Truyền tiếp ngọn lửa yêu nước
Sau khi công việc tiếp quản Thủ đô tạm ổn, các đội viên được điều động nhận nhiệm vụ mới. Lúc bấy giờ, bà Lê Thị Túy được phân công về làm phóng viên tại Báo Tiền phong khi mới tròn 19 tuổi. Trước khi về hưu, bà là Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô. Bà Túy cho biết: “Trải qua 65 năm, chúng tôi luôn tự hào được là đội viên thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô, được Đảng và Đoàn rèn luyện trở thành những người có ích cho xã hội. Hầu hết đội viên của đội đều trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, là cán bộ lãnh đạo các ban, ngành trung ương và địa phương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao".
Giờ đây, tuổi đã cao, nhưng các cựu thanh niên xung phong vẫn luôn nêu cao truyền thống, nhắc nhở con cháu thực hiện tốt các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại. Bà Đặng Thị Ngữ tâm sự: “Mỗi lần kể chuyện cũ, xem lại ảnh, phim tài liệu về ngày tiếp quản Thủ đô, tôi thấy rất vui và tự hào. Tôi vẫn thường nói chuyện cho các con, cháu về Đội Thanh niên xung phong công tác tiếp quản Thủ đô. Chúng rất tự hào vì mẹ, bà của mình đã có mặt trong ngày trọng đại của Thủ đô, để từ đó cố gắng phấn đấu vươn lên trong học tập, công tác cho xứng đáng với thế hệ đi trước”.
Còn ông Nguyễn Giáp tươi cười nói: “Vừa mới ngày nào, lớp anh chị em chúng tôi còn múa hát trên các đường phố, thế mà thấm thoắt đã 65 năm qua đi, có người đã không còn, người ở lại đều đã là ông, bà, cụ. Đất nước, lịch sử đã lựa chọn thế hệ chúng tôi. Để đáp lại sự tin tưởng ấy, chúng tôi cũng đã hoàn thành nhiệm vụ, góp phần xây dựng đất nước”.
Nhiều năm qua, những đội viên Đội Thanh niên xung phong công tác tiếp quản Thủ đô năm xưa vẫn tổ chức họp mặt vào dịp tháng 10 hằng năm, cùng nhau chia sẻ những kỷ niệm, động viên nhau sống vui, sống khỏe, sống có ích. Mong muốn của những cựu thanh niên xung phong năm xưa là xây dựng Bia địa danh lịch sử nơi thành lập Đội Thanh niên xung phong công tác tiếp quản Thủ đô tại đình làng Sòng (xã An Khánh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) cũng đã thành hiện thực. Đó là niềm tự hào, cổ vũ họ tiếp tục truyền ngọn lửa yêu nước của mình cho thế hệ trẻ hôm nay...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.