(HNM) - Ngày Tết ông Công, ông Táo hơn 100 kiều bào từ khắp nơi trên thế giới có mặt đông đủ tại Nhà khách Chính phủ để chuẩn bị cho một điểm đến mới.
Không gì vui bằng Tết ở quê hương
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km về phía tây, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam là nơi tái hiện các giá trị văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam. Vì thế ngay khi đặt chân đến, các thành viên trong đoàn Việt kiều háo hức tham quan các khu văn hóa đặc trưng của các dân tộc ở đây.
Kiều bào cùng vui đón Tết trong Chương trình "Xuân quê hương 2015". |
Hòa mình vào không khí lễ hội của người Mường, thưởng thức rượu cần và tham gia các trò chơi dân gian truyền thống, ông Nguyễn Hữu Ấn, Việt kiều định cư tại Slovakia không giấu được niềm hứng khởi. Ông cho biết: “Tôi từng là giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi nghỉ hưu tôi sang Slovakia sống cùng gia đình. Trong 15 năm xa quê, thi thoảng tôi cũng về Việt Nam đón Tết cổ truyền của dân tộc, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được sống trong không khí đầm ấm, thân thiện cùng các bà con dân tộc. Chương trình Xuân quê hương thật ý nghĩa khi đã kết nối người Việt ở khắp nơi trên thế giới trở về với cội nguồn của dân tộc”. Ông Nguyễn Hữu Ấn cho biết, cộng đồng người Việt Nam ở Slovakia hiện có khoảng 5.000 người. Năm nào cũng vậy, mỗi khi Tết đến bà con lại tập trung để ăn Tết và gặp gỡ nhau. Vì điều kiện ở xa không thể tự gói bánh chưng, nhưng bà con vẫn đặt loại bánh đặc trưng của ngày Tết từ Việt Nam sang và cùng nhau nấu những món ăn cổ truyền của dân tộc. “Dù ở xa nhưng chúng tôi luôn cập nhật thông tin về tình hình đất nước từng ngày qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thấy đất nước mình ngày càng phát triển, chúng tôi mừng lắm”, ông Ấn nhấn mạnh.
Đoàn kết phát triển đất nước
Hiện cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 4,5 triệu người, sinh sống ở 109 nước và vùng lãnh thổ. Năm 2014 tổng số kiều hối được chuyển về nước đạt 12 tỷ USD. Số lượng dự án được các kiều bào đăng ký đầu tư tại Việt Nam đến nay đã là 2.000, mang về nguồn lợi khoảng 20 tỷ USD mỗi năm.
Tuy nhiên làm thế nào để thu hút nhiều hơn nữa chất xám, tri thức, vốn đầu tư… của kiều bào như nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước là điều khiến nhiều kiều bào quan tâm. Sống xa Tổ quốc 30 năm nay, GS.TS Bạch Văn Phong, hiện giảng dạy đại học tại TP Munich của Đức cảm thấy phấn khởi vì Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đến đội ngũ trí thức kiều bào.
Lần đầu tiên được đón Tết tại Việt Nam sau 26 năm xa quê hương, bà Tống Kim Giao - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam ở Nhật Bản cho biết: “Vì nhiều lý do khác nhau, chúng tôi phải sống xa quê. Tuy nhiên sống ở đâu thì chúng tôi vẫn là người Việt Nam, mang trong mình dòng máu Lạc Hồng. 26 năm qua, bản thân tôi luôn mơ một lần được về đón Tết tại quê nhà. Năm nay, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài mà tôi đã thực hiện được ước mơ này. Trên cương vị của mình, tôi sẽ cố gắng đóng góp vào sự phát triển của đất nước”.
Chuyến đi kết thúc với chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật đặc sắc do cộng đồng các dân tộc biểu diễn và hình ảnh kiều bào Việt Nam nắm tay chung sức, đồng lòng, truyền hơi ấm cũng như tình cảm chân thành nhất cho nhau quanh lửa trại đầm ấm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.