Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm

Duy Biên| 07/03/2020 06:37

(HNM) - Chưa đầy hai tháng xuất hiện tại Việt Nam, dịch Covid-19 đã gây ra tác động toàn diện đến kinh tế - xã hội nước ta, nhất là các ngành hàng không, du lịch, vận tải, dịch vụ, đầu tư… Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu “hụt hơi” vì vi rút corona, khi nguồn nguyên liệu bắt đầu cạn kiệt mà chưa thể nhập về, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hoạt động xuất, nhập khẩu bị đình trệ… Cộng đồng doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ít nhiều đều bị ảnh hưởng, thậm chí có doanh nghiệp lâm cảnh giãn việc, lao động nghỉ luân phiên vì dịch.

Trước những khó khăn mà các doanh nghiệp, ngành nghề đang gặp phải trong dịch Covid-19, bên cạnh việc tập trung chống dịch, Chính phủ, bộ, ngành, doanh nghiệp đã có những sách lược để ứng phó, bảo đảm mục tiêu vừa chống dịch, vừa ổn định nền kinh tế. Điều đó được cụ thể hóa bằng các giải pháp như yêu cầu các ngân hàng thương mại có chính sách tín dụng hợp lý; hạ chi phí logistics và không tăng giá các loại dịch vụ thiết yếu… Từ chỉ đạo này, hàng loạt ngân hàng thương mại đã có động thái giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ… cho các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19; cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp khai thông thị trường, tìm kiếm bạn hàng… Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị chủ động tìm nguồn cung nguyên liệu, thị trường tiêu thụ mới, đồng thời cơ cấu lại sản xuất, trong đó chú trọng vào thị trường trong nước.

Hiện dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Những thiệt hại mà dịch Covid-19 gây ra với kinh tế toàn cầu nói chung, cũng như nền kinh tế Việt Nam nói riêng ngày càng rõ ràng. Giữa bộn bề khó khăn, những giải pháp nhằm bảo đảm “sức khỏe” cho nền kinh tế nước ta trong giai đoạn này cũng hết sức cần thiết. “Sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Chính phủ thấu hiểu điều này, các ngành, các cấp phải thấu hiểu điều này để có biện pháp chỉ đạo sát hơn”, đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 tổ chức ngày 3-3 vừa qua. Đồng thời, ngay sau đó, Thủ tướng đã ký ban hành chỉ thị đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Giờ là lúc các bộ, ngành, địa phương vào cuộc có trách nhiệm, giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Song song với tăng cường triển khai các giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp mong chờ các bộ, ngành Trung ương quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Về phía các địa phương, giải pháp có tác dụng ngay là khơi thông điểm nghẽn thủ tục hành chính, vướng mắc liên quan tới những dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Dịch bệnh là sự cố bất khả kháng, không ai đoán trước được và các doanh nghiệp đều gặp khó khăn chung. Do đó, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, bản thân doanh nghiệp cũng phải tìm cách thích ứng. Trước mắt, các doanh nghiệp cần có phương án chuyển đổi, tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu thay thế cũng như tiếp cận đa dạng hóa các thị trường tiêu thụ mới, giảm sự lệ thuộc vào các đầu mối kinh doanh truyền thống. Đi đôi với đó là tiến hành tái cơ cấu hoạt động của mình, đẩy mạnh liên kết, hợp tác để tạo ra những yếu tố phát triển bền vững, ổn định. Đây chính là cách chuẩn bị bài bản nhất để khi thách thức đi qua, các doanh nghiệp có thể mau chóng chớp thời cơ lấy lại đà phát triển.

Tin rằng, sự vào cuộc đồng bộ, có trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương cùng với tinh thần nỗ lực, tự chủ vượt khó của các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ tiếp tục phát triển ổn định, góp phần giữ đà tăng trưởng kinh tế nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.