Sáng 20-11, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Đông Anh.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đông Anh Đặng Minh Thắng, các cấp, ngành đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong quá trình thực hiện cuộc vận động. Các nhà sản xuất, doanh nghiệp đã đồng hành cùng cuộc vận động bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, triển khai các chương trình khuyến mại, coi trọng chế độ bảo hành… Nhờ đó, hàng Việt ngày càng chiếm được niềm tin của người dân.
Việc tuyên truyền được triển khai với nhiều hình thức, kết hợp với hoạt động hỗ trợ đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, góp phần đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng...
Các cơ quan quản lý tham mưu triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, phát triển thương hiệu, làng nghề, mở rộng kênh phân phối hàng Việt, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi.
Đến nay, huyện Đông Anh có 146 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng và nâng cấp, trong đó có 60 sản phẩm 4 sao, 86 sản phẩm 3 sao, chủ yếu thuộc nhóm ngành thực phẩm, thủ công mỹ nghệ. Các sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn OCOP của huyện Đông Anh đã được các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại tín nhiệm đặt hàng.
Bên cạnh việc kết nối cung - cầu sản phẩm tại địa chỉ http//:da.check.net.vn, huyện còn hỗ trợ gắn tem truy xuất nguồn gốc đối với 100% sản phẩm tham gia chương trình OCOP.
Trên địa bàn huyện đã có 710 sản phẩm đăng ký QR Code trên hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản (check.net.vn). Qua đó, doanh nghiệp quản trị tốt quá trình sản xuất, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, tiếp cận người tiêu dùng nhanh hơn.
Sau khi nghe ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường đề nghị, huyện Đông Anh tiếp tục tuyên truyền về hàng Việt với các hình thức phong phú, đa dạng, đồng thời nêu cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện cuộc vận động.
Cùng với đó là hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, đất đai để mở rộng quy mô, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm.
Với sản phẩm OCOP, sản phẩm thế mạnh của địa phương, huyện Đông Anh mời doanh nghiệp tham gia cuộc bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”; phát triển các trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nông, lâm sản của huyện gắn với thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng xanh và bền vững, góp phần bảo vệ môi trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.