Doanh nghiệp

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh: Cần nhiều chính sách đột phá hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Hồng Sơn 13/10/2024 - 06:46

Hiện nước ta có gần 1 triệu doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98,5%.

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh về bức tranh toàn cảnh, cũng như những cơ chế, chính sách đột phá để giúp doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.

giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh-cho-doanh-nghiep-tai-bo-phan-mot-cua-so-ke-hoach-va-dau-tu-ha-noi.-anh-duy-linh.jpg
Giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp tại bộ phận “một cửa” Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ảnh: Duy Linh

Nhận diện những khó khăn, thách thức

- Ông có thể thông tin về tình hình phát triển doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng?

- Việt Nam hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp. Riêng tại Hà Nội, số lượng doanh nghiệp rất lớn, với hơn 300.000 đơn vị đang hoạt động, giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Thủ đô và cả nước. Các doanh nghiệp tại Hà Nội hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực như: Công nghiệp, thương mại, dịch vụ, công nghệ thông tin, bất động sản, giáo dục... và đang dần hướng đến chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và dịch vụ, như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), thương mại điện tử.

Mặc dù phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ cả doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài, song các doanh nghiệp Hà Nội vẫn giữ được sự phát triển nhờ tận dụng tối đa tiềm năng về thị trường do có dân số lớn, thu nhập trung bình tăng.

Bên cạnh đó là sự hỗ trợ từ chính quyền thành phố với nhiều chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, từ các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo doanh nhân, đến giảm thiểu thủ tục hành chính. Hà Nội là một trong những địa phương có môi trường khởi nghiệp sôi động, với nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ thông minh.

Đáng chú ý, doanh nghiệp Hà Nội đang dần chú trọng đến việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Việc đầu tư vào công nghệ xanh và áp dụng các giải pháp giảm thiểu khí thải là một xu hướng nổi bật. Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, các doanh nghiệp tại Hà Nội đang gia tăng đầu tư vào phát triển các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo, mang tính toàn cầu.

Nhìn chung, doanh nghiệp đang trên đà phát triển mạnh mẽ, với tiềm năng lớn và sự đổi mới. Tuy nhiên, để duy trì và nâng cao sức cạnh tranh, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cần có chiến lược cụ thể để vượt qua những khó khăn, thách thức trong giai đoạn hiện nay.

- Vậy những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp đang phải đối diện là gì, thưa ông?

- Những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp đang phải đối diện, đó là nhiều đơn vị thiếu vốn để mở rộng sản xuất và nâng cấp công nghệ. Một bộ phận doanh nhân còn thiếu kỹ năng quản lý, đặc biệt trong vấn đề nhân sự và phát triển thị trường quốc tế. Ngoài ra, sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp lớn nước ngoài tại thị trường Hà Nội đòi hỏi doanh nghiệp nội địa phải liên tục đổi mới, thích nghi và phát triển.

Nguyên nhân là do quá trình chuyên nghiệp hóa trong doanh nghiệp vẫn chưa được đẩy mạnh, điểm xuất phát thấp, thiếu vốn, công nghệ chậm được đổi mới và thiếu kinh nghiệm quản lý điều hành trong bối cảnh toàn cầu hóa... Khả năng tiếp cận thị trường quốc tế cũng hạn chế, thiếu kết nối chặt chẽ giữa các đơn vị. Nhiều doanh nghiệp vẫn dựa trên mô hình gia đình, thiếu các hệ thống quản trị bài bản, dẫn đến hiệu quả hoạt động không cao và khó mở rộng quy mô.

- Còn lợi thế, tiềm năng của doanh nghiệp, như ông vừa nêu, là gì?

- Hà Nội có dân số đông, với mức tiêu dùng ngày càng tăng. Sự phát triển của tầng lớp trung lưu thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển và mở rộng. Chính phủ, hệ thống cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan quản lý tại Hà Nội đã và đang đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, từ giảm thuế, cải cách hành chính đến hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Tôi cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo áp lực cho các doanh nghiệp phải thay đổi và áp dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất và sức cạnh tranh. Hà Nội cũng là nơi tập trung nhiều nhân lực có trình độ cao và các trung tâm nghiên cứu công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận và phát triển. Chính sách khuyến khích khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nhân trẻ của chính quyền thành phố Hà Nội đã tạo động lực lớn cho làn sóng khởi nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao...

Giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh

- Từ góc độ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa - đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô, ông có thể cho biết xu hướng phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới?

- Việc thực hiện chuyển đổi số của doanh nghiệp tại Hà Nội đang diễn ra mạnh mẽ. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn bắt đầu tập trung vào các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và internet vạn vật (IoT). Các lĩnh vực như ngân hàng, bất động sản và thương mại điện tử đang tiên phong trong việc áp dụng công nghệ để tăng hiệu quả kinh doanh.

Nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang “đi” chậm hơn. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang ở giai đoạn đầu, chưa mạnh dạn vì thiếu nguồn lực về tài chính và nhân lực để đầu tư vào các công nghệ mới. Mặc dù, nhờ vào các chương trình hỗ trợ từ chính quyền và các tổ chức, quá trình này đang có những bước tiến nhất định, song vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng. Mức độ chuyển đổi số chưa đồng đều giữa các ngành và còn nhiều doanh nghiệp chưa hoàn toàn áp dụng công nghệ số trong các hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Nhìn chung, còn nhiều việc phải làm để đáp ứng đầy đủ kỳ vọng về một nền kinh tế số cũng như đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế của Thủ đô.

- Ông có thể cho biết doanh nghiệp kiến nghị và cần hỗ trợ gì để phát triển nhanh, bền vững?

- Các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ phát triển bền vững và thích ứng với bối cảnh kinh tế hiện tại.

Những kiến nghị này thường tập trung vào các vấn đề tài chính, thuế, thủ tục hành chính và phát triển hạ tầng. Cụ thể, doanh nghiệp đề nghị tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ tài chính, tín dụng với lãi suất ưu đãi, đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn về vốn sau đại dịch Covid-19. Theo số liệu từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng. Điều này ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển của các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cũng kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (VAT), đồng thời giãn thời gian nộp thuế để hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép và thủ tục liên quan đến thuế, cần được thực hiện triệt để hơn.

Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ đầu tư nhiều hơn vào hạ tầng giao thông, kho bãi và hệ thống logistics. Đặc biệt, hệ thống logistics cần được phát triển để giảm chi phí vận chuyển, tạo điều kiện cho xuất, nhập khẩu và tăng sức cạnh tranh. Liên quan đến vấn đề này, theo Tổng cục Thống kê, chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng 20-25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn so với mức trung bình của thế giới (khoảng 10-12% GDP). Có 70% doanh nghiệp xuất khẩu tại Hà Nội cho rằng, chi phí logistics cao là một rào cản lớn cho khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số, bao gồm hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và đào tạo. Điều này nhằm giúp doanh nghiệp nhanh chóng áp dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh và quản lý. Bên cạnh đó là các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và quản lý, giúp đáp ứng nhu cầu lao động có trình độ cao để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số.

Cuối cùng là doanh nghiệp đề xuất được hỗ trợ nhằm thực hiện việc bảo vệ môi trường, phát triển thị trường và hội nhập quốc tế thông qua những chương trình xúc tiến thương mại, đào tạo kỹ năng thương mại quốc tế và hỗ trợ kết nối đối tác…

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh: Cần nhiều chính sách đột phá hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.