Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn "nóng" chuyện chất cấm và tồn dư kháng sinh

Ngọc Quỳnh| 20/10/2015 06:40

(HNM) - Chất tạo nạc vẫn được vô tư sử dụng trong chăn nuôi; thuốc bảo vệ thực vật  tồn dư trong rau, quả; chất bảo quản trong thịt gia súc, gia cầm, thủy sản... không chỉ gây bất an cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của doanh nghiệp, của hàng hóa nông sản, thủy sản Việt Nam...

Các hộ chăn nuôi cần sử dụng những thức ăn có nguồn gốc, chất lượng nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.


Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết: Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 47/63 tỉnh, thành phố triển khai kiểm tra, xếp loại cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, ATVSTP. Số cơ sở sản xuất kinh doanh nông - lâm - thủy sản được kiểm tra phân loại và kiểm tra định kỳ là 7.334 cơ sở; trong đó có 1.504/7.334 cơ sở xếp loại C (chiếm 20,5%). Có 676 cơ sở xếp loại C được tái kiểm tra, sau kiểm tra vẫn có 536 cơ sở xếp loại C (chiếm 79%) - chủ yếu là cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến nông sản thực phẩm. Chưa kể 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép; 16% mẫu thịt phát hiện có Salmonella, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng...

Nguyên nhân là do các địa phương chưa xác định trọng tâm và tập trung nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ về bảo đảm ATVSTP; chưa chỉ đạo đến các huyện, xã, phường, thị trấn; việc triển khai tại các địa phương còn dàn trải, mang tính hình thức; chưa giám sát, đánh giá, kịp thời xác định sản phẩm, công đoạn, địa bàn nguy cơ cao để tập trung xử lý hiệu quả, dứt điểm...

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt, do nhu cầu sử dụng thực phẩm lớn (khoảng 1.000 tấn/ngày), nhưng chỉ chủ động được 60%, còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố khác về, nên vấn đề ATVSTP luôn được TP Hà Nội quan tâm, nhưng vi phạm vẫn diễn ra thường xuyên. Trong 9 tháng, các ngành chức năng của thành phố đã tiêu hủy 835kg sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ. Kiểm tra 64 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, xử phạt vi phạm hành chính 28 đơn vị kinh doanh thuốc thú y không có tên trong danh mục được phép lưu hành, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc thú y, vi phạm nhãn hàng hóa. Lực lượng chức năng của thành phố đã kiểm tra 4 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, niêm phong 140 gói thuốc BVTV sai quy định về tem nhãn, tịch thu 41 chai thuốc BVTV cấm sản xuất, kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam và 400 gói thuốc BVTV ngoài danh mục cho phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam.

Hiện nay, mức độ vi phạm ATVSTP của các tỉnh, thành phố còn cao do đội ngũ cán bộ quản lý chuyên ngành ở địa phương còn mỏng, khó khăn trong việc kiểm tra giám sát. Việc lấy mẫu giám sát thử test nhanh về mức độ vi phạm trong sản phẩm nông nghiệp ở địa phương rất hạn chế do không có kinh phí để đầu tư. Đại diện nhiều tỉnh, thành phố cho rằng, Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ cho các tỉnh về đào tạo nguồn nhân lực để làm về công tác ATVSTP.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, để giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; giảm thiểu mức tồn dư thuốc BVTV trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi; đồng thời tạo niềm tin cho người tiêu dùng, Bộ NN&PTNT phát động đợt cao điểm ATVSTP trong lĩnh vực nông nghiệp từ nay đến tết Nguyên đán 2016. Để việc này thành công, các địa phương cần tổ chức hỗ trợ cơ sở sản xuất kinh doanh chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GAP), các cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; lấy mẫu giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn trước khi đến tay người tiêu dùng. Ngoài ra, cần đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, phát hiện, chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh triển khai Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg về thí điểm thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn; tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập khẩu (thịt, rau, quả), xử lý, cảnh báo các trường hợp phát hiện không bảo đảm an toàn thực phẩm...

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam:

Vấn đề bảo đảm ATVSTP còn nhiều tồn tại, không thể giải quyết trong một sớm một chiều nên các địa phương cần cố gắng triển khai đồng bộ. Các bộ, ngành cần phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp, mở đợt cao điểm để tập trung kiểm soát mạnh hơn, khi xong cần phải họp rút kinh nghiệm để có cách làm tốt nhất.

Các cấp chính quyền địa phương phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ cảnh báo tới người tiêu dùng về nguy cơ sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất cấm Salmonella, thuốc BVTV vượt giới hạn cho phép. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm nông - lâm, thủy sản nhằm phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm, nếu không có biện pháp khắc phục cần tịch thu giấy phép kinh doanh…
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẫn "nóng" chuyện chất cấm và tồn dư kháng sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.