(HNM) - Theo lộ trình thực hiện Thông tư số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, ngày 29-10-2015, của liên bộ Y tế và Tài chính về quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, dự kiến từ tháng 8 tới, giá viện phí mới sẽ được áp dụng tại một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ tham gia BHYT ở mức 90-95%.
So với đợt điều chỉnh lần đầu, được thực hiện từ ngày 1-3 năm nay với giá viện phí bao gồm chi phí trực tiếp cho người bệnh, chi phí phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật) thì ở lần điều chỉnh sắp tới, giá viện phí bao gồm cả chi phí tiền lương của cán bộ, nhân viên y tế - tức là cao hơn nhiều so với đợt điều chỉnh vào đầu năm.
Như mỗi lần điều chỉnh tăng viện phí, câu hỏi được quan tâm nhất là việc tăng đó có ảnh hưởng như thế nào đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân? Liệu sau khi tăng viện phí, người bệnh có được thụ hưởng sự chăm sóc, điều trị với chất lượng có mức tăng tương xứng? Đó là một câu hỏi cũ, đã được đưa ra ngay khi tiến hành đợt điều chỉnh lần đầu mà đến nay, phía các cơ sở y tế vẫn còn nợ công luận - thông qua hành động thực tiễn - một số “khoản”, cả về y đức và chất lượng điều trị.
Nói vậy là bởi, dù đã có sự tiến bộ nhất định nhưng “câu chuyện bệnh viện” vẫn còn chi tiết khiến cộng đồng không hài lòng. Vấn nạn “phong bì” còn hiện hữu, tình trạng “người bệnh cần nhưng lương y chưa vội” vẫn còn, việc phải nằm ghép vẫn là nỗi ám ảnh của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Đó là chưa kể tới sự xuống cấp về cơ sở vật chất, điều kiện vệ sinh môi trường ở nhiều nơi không bảo đảm theo chuẩn… Nó cho thấy ở lần điều chỉnh tới đây, về lý thuyết, khi giá viện phí ngày càng tới gần ngưỡng tính đúng, tính đủ, các bệnh viện sẽ không còn lý do để bao biện cho sự yếu kém, buộc phải thay đổi để tạo ra chất lượng phục vụ tương xứng.
Tuy vậy, liệu các bệnh viện có tự thân nỗ lực thay đổi diện mạo, chất lượng phục vụ khi đã được đặt ra ngoài môi trường bao cấp và tiền chi trả của người bệnh là “nguồn sống” của phía bệnh viện? Sự cạnh tranh có tạo ra sức ép đủ lớn để nhân viên y tế đoạn tuyệt với “phong bì”, tận tụy phục vụ người bệnh mọi lúc, mọi nơi?
Có lẽ, sức ép tự thay đổi từ việc đưa lương vào giá viện phí chưa đủ để tạo nên điều kỳ diệu nói trên, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi mà tình trạng quá tải cục bộ vẫn còn, sức hút từ các bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện tuyến cuối tại một số thành phố còn đủ lớn để khỏa lấp phần nào nỗi lo bị cạnh tranh. Điều đó cho thấy rằng, để tạo ra sức ép cần thiết cho các bệnh viện, hình thành nhu cầu đổi mới tự thân, cần phải có giải pháp mang tính thúc đẩy. Chẳng hạn, cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra việc sử dụng nguồn thu để bổ sung trang bị y tế, nâng cấp cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.
Để tạo sức ép cạnh tranh lành mạnh, công bằng, ngành Y tế cần đẩy nhanh phần việc đánh giá chất lượng bệnh viện, công khai mức độ hài lòng của người bệnh đối với từng bệnh viện, tạo cơ sở cho việc điều chỉnh hợp đồng BHYT đối với các cơ sở y tế; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án về bệnh viện vệ tinh, giảm quá tải bệnh viện. Bên cạnh đó, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cần phải được chú trọng hơn nữa; cần có giải pháp đào tạo và đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn cũng như y đức trong đội ngũ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.