Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn là khu vực năng động

Hồng Sơn| 07/11/2011 07:18

(HNM) - Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) 10 tháng qua cho thấy hình ảnh đan xen giữa những


Niềm tin với nhà đầu tư


Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Denso Việt Nam. Ảnh: Yến Ngọc

Mười tháng qua, cả nước có thêm 861 dự án ĐTNN mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 8,88 tỷ USD. Cùng thời gian trên, có 264 lượt dự án ĐTNN đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm gần 2,4 tỷ USD. Tính chung, cả vốn cấp mới và tăng vốn, các nhà ĐTNN đã đăng ký đầu tư 11,27 tỷ USD vào Việt Nam, bằng 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét theo lĩnh vực đầu tư, dòng vốn ĐTNN vẫn tiếp tục "chảy" vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm khoảng 50% tổng vốn mới đăng ký. Tiếp theo là lĩnh vực sản xuất và phân phối điện; thứ 3 là ngành xây dựng. Lượng vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng đã "teo" lại. Thực tế này cho thấy đã có sự chuyển dịch về lĩnh vực đầu tư của nhà ĐTNN, hướng mạnh vào những ngành sản xuất chế tạo với mục tiêu lâu dài. Điều này lý giải vì sao cộng đồng DN Nhật Bản, Hoa Kỳ nhiều lần khẳng định muốn triển khai các dự án sản xuất kết hợp chuyển giao công nghệ và xuất khẩu ở Việt Nam. Bên cạnh đó, hoạt động của các DN có vốn ĐTNN tiếp tục xu hướng gia tăng theo thời gian. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của khu vực này đạt khoảng 43,2 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2010 nhưng giá trị nhập khẩu chỉ đạt hơn 38 tỷ USD. Điều này khiến cho riêng khu vực ĐTNN xuất siêu 4,9 tỷ USD, trong khi tính chung cả nước lại nhập siêu gần 8,4 tỷ USD. Cũng từ đầu năm đến nay, cộng đồng DN có vốn ĐTNN đã giải ngân được 9,1 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2010. Đây là kết quả rất đáng khích lệ, bởi nó được thực hiện trong khi phần lớn nhà đầu tư còn gặp khó khăn, chịu ảnh hưởng từ sự co hẹp về thị trường và suy giảm sức mua trên phạm vi toàn cầu. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông xác nhận, đó là tín hiệu rất khả quan, chứng tỏ nhà đầu tư vẫn tiếp tục tìm thấy các cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Chuyển dần từ "lượng" sang "chất"

Theo các chuyên gia, hoạt động thu hút ĐTNN 10 tháng qua có một số diễn biến đáng lưu ý. Tổng số vốn đăng ký mới vẫn tiếp tục đà suy giảm, cho thấy lĩnh vực ĐTNN nói chung chưa khởi sắc trong tình hình suy giảm chung của hoạt động đầu tư thế giới. Song, cũng có ý kiến cho rằng, lượng vốn mới đăng ký tuy giảm nhưng giảm không nhiều đến mức đáng lo ngại. Quan trọng hơn là vốn mới giảm chủ yếu là do tác động tích cực từ quan điểm lựa chọn dự án ĐTNN của ta ngày càng khắt khe, thực chất hơn chứ không còn tâm lý "trải thảm đỏ" thuần túy nhằm thu hút vốn ngoại một cách đại trà như các năm trước đây. Việc chuyển dần từ "lượng" sang "chất" trong thu hút vốn ĐTNN là chính sách đúng, có sự kế thừa và phát huy kết quả trong quá trình hơn 20 năm mở cửa thu hút ĐTNN. Đó cũng là một diễn biến tất nhiên theo sự chỉ đạo cần chấn chỉnh hoạt động thu hút ĐTNN của Thủ tướng mới đây, không cấp phép cho những dự án chiếm nhiều diện tích đất, công nghệ thấp, tiêu hao nhiều năng lượng hoặc có nguy cơ gây hại cho môi trường.

Gần đây, giới quan sát có khuynh hướng thay đổi cách nhìn nhận về ĐTNN và khuyến nghị cần có cách đánh giá thiết thực hơn theo hướng nên đánh giá "nặng" về kết quả giải ngân kết hợp với lượng vốn đăng ký tăng thêm của các dự án đã hoạt động. Trên thực tế, cả hai yếu tố là lượng vốn giải ngân và vốn tăng thêm trong 10 tháng qua đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lượng vốn thật, là thước đo sức sống, mức hấp dẫn trong môi trường đầu tư - kinh doanh của một quốc gia, khác hẳn với số vốn đăng ký thuần túy - tức là phần vốn mà nhà đầu tư hứa sẽ đầu tư khi xin cấp phép cho dự án. Hãy so sánh, một dự án dù số vốn tuy nhỏ, nhưng có thực và có tốc độ triển khai giải ngân nhanh, lại xin điều chỉnh tăng vốn sẽ đáng giá hơn so với dựa án quy mô "khủng" nhưng chậm triển khai, sa lầy rồi bất động.

Tuy nhiên, muốn thu hút được nhiều vốn ĐTNN, Việt Nam cần xử lý tốt một số hạn chế nội tại để củng cố lòng tin của giới đầu tư. Trong đó, cần chú trọng áp dụng một số biện pháp kiềm chế lạm phát, kéo lùi tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng, bởi không nhà đầu tư nào muốn đầu tư vào địa bàn mà đồng tiền đang mất giá. Ngoài ra, công tác cải cách hành chính phải được liên tục đổi mới, trở thành hoạt động dịch vụ công, có hiệu quả với nhà ĐTNN. Trong bối cảnh nguồn vốn ngày càng hạn hẹp, sự cạnh tranh thu hút vốn của các nước ngày càng lớn, Việt Nam cần tổ chức những đợt xúc tiến đầu tư ra tấm ra món, với tinh thần quyết liệt, đủ liều và đúng địa chỉ để khai thông dòng vốn ngoại-kênh cấp vốn quan trọng, năng động cho phát triển kinh tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẫn là khu vực năng động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.