Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn hóa đọc từ góc nhìn ứng xử: Để sự đọc như một hình thức thực hành văn hóa

Hà An| 29/05/2022 06:00

(HNMCT) - Ứng xử với việc đọc là một bộ phận cấu thành quan trọng của xây dựng văn hóa đọc. Mỗi ứng xử phù hợp của các nhân tố liên quan sẽ tác động từng bước, trực tiếp tới mục tiêu đọc như một quá trình học tập suốt đời. Chia sẻ của đại diện đơn vị thư viện, nhà xuất bản và diễn giả về khuyến đọc một lần nữa giúp chúng ta hiểu rõ thêm về vấn đề này.

Ông Phạm Thế Khang, nguyên Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam:
Phục vụ bạn đọc phải là xuất phát điểm và đích đến của công tác thư viện

Tôi nghỉ hưu đã hơn 10 năm nên chỉ xin chia sẻ những trải nghiệm công tác thực tế của mình và anh chị em Thư viện Quốc gia (TVQG) trên lĩnh vực phục vụ bạn đọc. Có người đã hỏi tôi: "Ông đã làm gì để năm 2003, TVQG có số lượng bạn đọc tăng kỷ lục, lên tới gần 30.000 người trong 1 năm (cao gấp 7 - 8 lần những năm trước đó)?". Xin thưa, đó là kết quả của hàng loạt biện pháp, cả về cơ chế và kỹ thuật.

Có một nghịch lý là Nhà nước đã đầu tư nhiều tỷ đồng để mở rộng TVQG, nhưng hàng vạn sinh viên có nhu cầu vẫn không được vào khai thác tri thức. Do từ trước năm 2000, đối tượng bạn đọc được vào sử dụng thông tin của TVQG rất hạn hẹp - chỉ các sinh viên đang học năm thứ 4 - 5. Chúng tôi đã quyết định mở rộng cánh cổng TVQG, tiếp nhận tất cả những ai có nhu cầu sử dụng tài nguyên sách báo của TVQG. Tất nhiên, khá đông anh chị em của thư viện bước đầu không đồng tình vì đồng lương vốn rất eo hẹp, giờ đây phải làm thêm ca, thêm giờ... Khi đó, chúng tôi phát động phong trào thi đua “Tháng phục vụ bạn đọc kiểu mẫu”, chào mừng sự kiện Pháp lệnh Thư viện được Quốc hội ban hành năm 2001. Tinh thần xuyên suốt của Pháp lệnh là chấn hưng văn hóa đọc, lấy phục vụ bạn đọc làm trung tâm. Không khí thi đua, đặc biệt là lớp trẻ, đã cuốn hút mọi người trong cơ quan.

Song song với đổi mới và mở rộng đối tượng bạn đọc là chuyển từ phục vụ “khép kín” sang phục vụ bằng “kho mở, kho tự chọn”, áp dụng quản lý bằng công nghệ hiện đại. Các hoạt động truyền thông được đẩy mạnh. Ngày 23-4-2006, Hội đồng Anh và Đại sứ quán Vương quốc Anh phối hợp, lần đầu tiên tổ chức tại TVQG “Ngày hội sách hưởng ứng Ngày Sách thế giới”, đã “châm ngòi” cho hoạt động thường niên của hệ thống thư viện công cộng toàn quốc.

Chúng tôi cũng dành cho bạn đọc những ưu ái thiết thực như sử dụng thang máy, điều hòa nhiệt độ, nước uống... Nhiều phòng đọc theo nhu cầu được mở như phòng phục vụ doanh nhân, phòng phục vụ thiếu nhi. Anh chị em nâng cao ý thức phục vụ, ứng xử văn hóa.

Nỗ lực của anh chị em đã đưa tới kết quả bất ngờ. Lượng bạn đọc đông hơn, uy tín và hiệu quả xã hội của TVQG tăng lên, xứng tầm thư viện trung tâm của cả nước.

Mấy năm qua, tôi rất vui khi thấy hệ thống thư viện công cộng cả nước nói chung và TVQG nói riêng đã được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất khá hơn. Tuy nhiên, trong hoạt động thư viện, có lẽ thu hút bạn đọc là một trong những việc khó nhất. Vì vậy, thiết nghĩ, ứng xử của thư viện với bạn đọc phải không ngừng được chăm lo, đổi mới theo hướng đây vừa là xuất phát điểm vừa là đích đến của thư viện.

Diễn giả Nguyễn Quốc Vương:
Duy trì thường xuyên hoạt động khuyến đọc ở các cấp độ

Khi dịch Covid-19 lắng xuống và các hoạt động trở lại bình thường, tôi trong tư cách diễn giả về giáo dục và văn hóa đọc đã bận rộn hơn trước vì những lời mời nói chuyện khuyến đọc.

Biên độ của các tổ chức mời nói chuyện khuyến đọc đã rộng hơn trước. Trước kia thường chỉ có các trường tư, trường quốc tế và thi thoảng mới có trường công lập mời. Tuy nhiên gần đây, số lượng các trường công lập mời tới nói chuyện về khuyến đọc tăng lên đáng kể. Có những buổi nói chuyện được tổ chức công phu với số lượng học sinh tham gia tới gần nghìn người. Đó là tín hiệu rất tích cực bởi vì rất nhiều trường công lập chưa thực sự làm tốt công tác khuyến đọc và thư viện trường học cho dù có nhưng chỉ tồn tại dưới dạng hình thức.

Ngoài các trường công lập, tôi còn nhận được lời mời từ các đơn vị vũ trang và trại giam. Điều này thực sự đáng mừng, nó cho thấy ngày càng nhiều đơn vị, cán bộ, người dân nhận ra tác động to lớn của việc đọc và thay đổi cách ứng xử trong hoạt động này. Xây dựng thư viện, tủ sách, tổ chức các hoạt động khuyến đọc, lập các câu lạc bộ đọc sách để sinh hoạt thường xuyên là điều mà các nhà trường, tổ chức nói trên đang từng bước tiến hành.

Trong các buổi nói chuyện, các em học sinh đã mạnh dạn chia sẻ về trải nghiệm đọc sách của mình. Đáng chú ý là có những bạn đã có được thói quen đọc sách và có tủ sách của mình nhờ sự quan tâm của cha mẹ cho dù cha mẹ các em là những người lao động bình thường như thợ cắt tóc, thợ điện...

Tôi cũng nhận được một số lượng đáng kể tin nhắn, email nhờ tư vấn về sách, thư viện từ khắp nơi. Đó là các học sinh, sinh viên, phụ huynh, trong đó đáng kể nhất là các phụ huynh làm nông nghiệp hoặc công nhân trong các nhà máy...

Tất cả những tín hiệu trên cho thấy, chiến lược phát triển văn hóa đọc ở nước ta, cho dù muộn hơn so với thế giới, nhưng đã đi đúng hướng và bước đầu có kết quả. Để văn hóa đọc đi vào chiều sâu, việc duy trì liên tục, thường xuyên các hoạt động khuyến đọc ở cả vĩ mô và vi mô là cần thiết.

Anh Nguyên Hải Đăng, Biên tập viên NXB Trẻ:
Tìm tòi, đổi mới để nâng cao chất lượng trải nghiệm đọc

Từ góc độ người làm sách, nhất là qua thực tế hoạt động của NXB Trẻ, tôi nhận thấy những chuyển động rõ nét của đơn vị xuất bản trong nâng cao chất lượng sách như một cách ứng xử, xây dựng văn hóa đọc.

Cụ thể, NXB Trẻ luôn nỗ lực, trau chuốt nâng cao chất lượng sách từ hình thức cho tới nội dung với tâm thế tìm tòi, đổi mới vì lợi ích của độc giả và vì sự nghiệp làm sách nói chung.

Năm 2014, NXB Trẻ quyết định nâng cao chất lượng trải nghiệm đọc bằng việc chuyển hướng in giấy xốp, vàng ngà, nhập từ Phần Lan với ưu điểm nhẹ và không gây lóa mắt. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết nhiệt đới nóng ẩm đặc thù của Việt Nam nên giấy nhanh chuyển ố vàng, không thuận lợi cho việc bảo quản sách. Từ năm 2018, NXB Trẻ dần chuyển sang dùng giấy ngà chống ẩm, nhập khẩu độc quyền từ Nhật Bản để khắc phục tình trạng này. Thông tin về mực in cũng được ghi rõ trên mỗi cuốn sách, từ tháng 4-2018, NXB Trẻ bắt đầu sử dụng mực in thân thiện với môi trường, tuyệt đối an toàn với trẻ nhỏ khi trẻ cầm nắm, thậm chí ngậm miệng vào sách...

Để bảo vệ quyền lợi độc giả, tác giả, NXB Trẻ đã thực hiện việc ghi biên mục trước xuất bản trên tất cả ấn phẩm. Từ giữa năm 2020 trở đi, các sách mới do NXB Trẻ xuất bản đã dán chiếc tem thông minh hình vuông ở bìa 4 sách, thay thế cho tem hình chữ nhật trước đây. Tem thông minh hình vuông phù hợp hơn với yêu cầu thẩm mỹ, đồng thời tiếp tục góp phần chống lại nạn sách giả, in lậu...

Slogan lâu năm của NXB Trẻ là: “Nuôi dưỡng tâm hồn, khơi nguồn tri thức”, đề cập đến hai khía cạnh văn hóa của việc đọc sách cũng như hai nhiệm vụ cốt yếu của sách như một sản phẩm văn hóa. Các hoạt động xuất bản cũng xoay quanh việc cân đối giữa giá trị kinh tế và giá trị văn hóa. Tất cả góp phần để sự đọc thực sự là một hình thức thực hành văn hóa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa đọc từ góc nhìn ứng xử: Để sự đọc như một hình thức thực hành văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.