(HNM) - Thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội đã không ngừng củng cố các hợp tác xã, mở rộng dịch vụ ngành nghề, đào tạo đội ngũ cán bộ, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của thành phố.
Khẳng định vị trí quan trọng
Trong thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã thành phố đã chủ động phối hợp với các huyện, thị xã tiến hành củng cố, phát triển các hợp tác xã tại những xã xây dựng nông thôn mới; tham mưu Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể thành phố ban hành Văn bản số 12/CV-BCĐ ngày 19-1-2016 đề nghị các huyện, thị xã đăng ký danh sách hợp tác xã thực hiện củng cố ở những xã xây dựng nông thôn mới.
Trong quá trình triển khai, cán bộ các phòng, ban của Liên minh Hợp tác xã thành phố đã tư vấn hướng dẫn các hợp tác xã tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Ngay từ đầu năm, Liên minh Hợp tác xã thành phố đã xây dựng kế hoạch phối hợp công tác với 30 quận, huyện, thị xã để phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Gian hàng của Liên hiệp Hợp tác xã Hoa Phong - Sông Hồng (Đông Anh). |
Năm 2016, thực hiện đề án củng cố 42 hợp tác xã tại 40 xã xây dựng nông thôn mới, Liên minh Hợp tác xã thành phố đã hỗ trợ 41/42 hợp tác xã thực hiện tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012, tiến hành tổ chức đại hội thông qua điều lệ, phương án hoạt động và bầu Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát theo quy định. Có 27/42 hợp tác xã quy định trong điều lệ vốn góp tối thiểu đối với thành viên từ 100.000 đến 200.000 đồng. Trong đó, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Ninh Môn ở huyện Sóc Sơn có 19 thành viên đã góp vốn với mức 50 triệu đồng/thành viên.
Về củng cố, mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trên địa bàn thành phố đã có 36/42 hợp tác xã mở rộng thêm dịch vụ mới, đạt 85,7%. Tiêu biểu như Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Yên (huyện Thạch Thất) mở rộng thêm ngành nghề xây dựng nhà cửa, giao thông thủy lợi nội đồng, xây lắp điện hạ thế; Hợp tác xã Quất Động (huyện Thường Tín) mở rộng thêm dịch vụ làm đất, cung ứng vật tư nông nghiệp...
Kết quả thực hiện củng cố các hợp tác xã ở xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đã góp phần nâng cao nhận thức cấp ủy đảng, chính quyền, thành viên hợp tác xã và nhân dân địa phương về vị trí, vai trò và trách nhiệm xây dựng, phát triển hợp tác xã. Nội dung của đề án củng cố của nhiều hợp tác xã đã tập trung vào việc mở rộng thêm các ngành nghề kinh doanh mới, nhằm mục đích nâng cao đời sống cho thành viên hợp tác xã, nhân dân, góp phần tích cực vào giảm tỷ lệ hộ nghèo, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hợp tác xã
Bên cạnh những mặt đạt được, nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, xã viên một số hợp tác xã trên địa bàn thành phố về vai trò, vị trí của hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới, Luật Hợp tác xã năm 2012 còn hạn chế. Nhiều nơi cán bộ chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết phải củng cố, phát triển hợp tác xã là cơ hội để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động...
Để tháo gỡ khó khăn, Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội tiếp tục tư vấn, hướng dẫn thực hiện Đề án củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của 42 hợp tác xã đã và đang củng cố năm 2016. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tư vấn, hướng dẫn thực hiện có hiệu quả nội dung đề án; hoàn thiện công việc sau tổ chức lại hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012, tuyên truyền phát triển thêm thành viên tham gia và góp vốn vào hợp tác xã.
Từ nay đến cuối năm, Liên minh Hợp tác xã thành phố tiếp tục tư vấn, hỗ trợ củng cố tối thiểu 30 hợp tác xã tại 30 xã xây dựng nông thôn mới theo chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của thành phố đề ra. Để đạt mục tiêu này, Liên minh Hợp tác xã thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về hợp tác xã bằng nhiều hình thức cho cán bộ, xã viên về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tập thể...
Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương tư vấn, tháo gỡ kịp thời vướng mắc phát sinh trong quá trình hợp tác xã thực hiện đề án củng cố, mở rộng thêm ngành nghề dịch vụ kinh doanh mới ở các xã xây dựng nông thôn mới; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý chuyên môn nghiệp vụ của hợp tác xã nói chung và các đơn vị củng cố, phát triển ở xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.