(HNM) - Phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, tổ chức ngày 20-12-2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc thượng tôn pháp luật phải đặt lên hàng đầu, nên việc giám sát các văn bản quy phạm pháp luật là hết sức quan trọng.
Chỉ rõ thực trạng trong việc thực thi pháp luật, Chủ tịch Quốc hội nêu dẫn chứng như việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn từ nghị định cho đến thông tư hoặc không ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Qua kiểm tra cho thấy vẫn còn tình trạng nghị định quy định những vấn đề mà trong luật không đặt ra, hoặc quy định còn vượt ra khuôn khổ quy định của pháp luật, thậm chí sai các quy định của pháp luật. Một số văn bản không phải văn bản quy phạm pháp luật nhưng điều chỉnh cả những văn bản quy phạm pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hằng năm, Bộ Tư pháp đã kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban kiểm tra các cấp đã phát hiện không ít trường hợp vi phạm luật trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
“Những vi phạm trong lĩnh vực văn bản này như chậm tiến độ, quy định các vấn đề chồng chéo, sai quy định pháp luật… vừa gây cản trở, ách tắc, vừa gây lãng phí, thất thoát trong các lĩnh vực, thậm chí liên quan tới tham nhũng, tiêu cực. Có lỗi là vô tình, có lỗi là cố ý, mà cố ý chính là tham nhũng chính sách. Chúng ta phát hiện kém nhưng lại xử lý không nghiêm”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.
Về quá trình tổ chức, thực hiện giám sát theo Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, kết quả giám sát phải có các địa chỉ cụ thể, thực thi về nghị quyết giám sát như thế nào, định kỳ kiểm tra các kết luận giám sát để tạo ra chuyển biến. Đồng thời kiến nghị khi phát hiện ra sai sót, vi phạm thì cần có giải pháp khắc phục. “Ví dụ như chậm thì cần đẩy nhanh, chưa ban hành thì phải ban hành, trái nội dung, trái thẩm quyền thì hủy bỏ, không phù hợp thì phải sửa đổi, bổ sung”, Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh kiến nghị việc xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là những người đứng đầu, những người liên quan trực tiếp với văn bản để tạo chuyển biến thực sự, giảm thiểu, hạn chế, khắc phục căn cơ cho vấn đề này. Đồng thời bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung, ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực trong quá trình tổ chức, thực thi pháp luật. Từng bộ, từng ngành phải chủ động rà soát.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu cần chuẩn bị thực hiện tốt việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 từ những ngày đầu. Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội cụ thể hóa thành kế hoạch hằng tháng, hằng quý để có cơ sở tổng hợp kết quả giám sát cả năm 2023, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Qua đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa hoạt động của Quốc hội, nâng cao trách nhiệm, vai trò của Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân và cũng là nền tảng, yêu cầu bắt buộc để hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.