(HNM) - ... Tôi đánh giá rất cao tinh thần tích cực, chủ động của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện “mục tiêu kép”, nhưng vẫn không quên việc đại sự, lâu dài. Đó là công tác quy hoạch và xây dựng thể chế.
(Lược ghi phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, do Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 30-10-2021)
(HNM) - ... Tôi đánh giá rất cao tinh thần tích cực, chủ động của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện “mục tiêu kép”, nhưng vẫn không quên việc đại sự, lâu dài. Đó là công tác quy hoạch và xây dựng thể chế.
Đến nay, Hà Nội đã ban hành quy hoạch phân khu 4 quận nội đô, đã xây dựng quy hoạch phân khu sông Hồng trình Bộ Xây dựng thẩm định. Về thể chế, thành phố đã triển khai rất sớm việc xây dựng dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi; trong đó, Ban Chỉ đạo có hơn 70 thành viên, trực tiếp đồng chí Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban. Bước đầu như vậy, tôi cho là chuẩn bị rất công phu.
Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21-11-2012 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. Đây là đạo luật rất đặc biệt áp dụng chỉ cho một địa danh. Nhưng Luật Thủ đô năm 2012 chủ yếu là “luật khung, luật ống”, mang tính nguyên tắc, nên tác động đến cuộc sống còn hạn chế. Năm 2013, khi Hiến pháp mới được ban hành càng cho thấy điều đó. Một số luật chuyên ngành ra đời sau còn có những quy định phủ lên cả quy định trong Luật Thủ đô. Cho nên, Luật Thủ đô năm 2012 chưa tạo cơ chế đột phá cho Hà Nội.
Tới đây, khi xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, chúng ta phải khắc phục được vấn đề này. Để xây dựng dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, phải xác định rõ vị trí của Thủ đô. Đây là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế. Hà Nội còn là kinh đô ngàn năm văn hiến, cần được nhìn nhận với tư cách là thành phố di sản. Yếu tố và hàm lượng văn hóa, lịch sử của Hà Nội là đậm nét.
Hiện nay, Hà Nội có tỷ lệ đô thị hóa còn thấp, với khoảng 50% và đây là dư địa thuận lợi để phát triển đô thị, bao gồm cả không gian ngầm, không gian trên cao. Hà Nội cũng có lợi thế về nguồn lực đất đai; nếu quy hoạch xong phân khu sông Hồng thì nguồn lực này còn lớn hơn.
Nguồn lực con người của Hà Nội cũng rất lớn. 80% trường đại học, 82% số phòng nghiên cứu trọng điểm quốc gia, 65% đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học... Tiềm năng của Hà Nội còn ở hơn 1.500 làng nghề và làng có nghề với những người thợ tài hoa. Nếu khai thác tốt, thành phố sẽ phát triển nhanh.
Tiềm năng, lợi thế phát triển của Hà Nội như vậy, nên phải thiết kế các điều khoản của Luật Thủ đô sửa đổi sao cho vừa phù hợp đặc trưng, vừa tạo ra cơ chế khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển. Luật sửa đổi phải có tầm nhìn bao quát, tương xứng với tiến trình phát triển của đất nước, của Thủ đô mạnh mẽ, toàn diện gắn với phương châm “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”; bao hàm các quy định về thiết chế, quyền hạn có tính đặc thù, phương thức vận hành, quản trị thành phố theo hướng “Xanh - văn minh - hiện đại” gắn với chính quyền đô thị; có tầm nhìn dài hạn theo các mốc mục tiêu như Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đề ra; huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển Thủ đô trở thành thành phố kết nối toàn cầu vào năm 2045.
Tôi đề nghị thành phố nên tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đặc biệt là nghiên cứu việc áp dụng luật và mối quan hệ với các luật chuyên ngành. Các cơ quan, viện nghiên cứu của Quốc hội sẽ sát cánh, hỗ trợ thành phố Hà Nội trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tôi tin rằng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành tích, bảo vệ Thủ đô tuyệt đối an toàn, thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 và chuẩn bị bứt phá trong những năm sau...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.