(HNM) - Trong những ngày tháng Tám lịch sử 76 năm về trước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, lớp lớp người dân Hà Nội đã nhất tề đứng lên giành chính quyền, góp phần khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội cho dân tộc. Nhân dịp này, trao đổi với báo chí, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khẳng định, sức mạnh nhân dân là động lực quyết định mọi chiến thắng, nay sẽ tiếp tục là chỗ dựa để Thủ đô hướng tới mục tiêu đẩy lùi và chiến thắng đại dịch Covid-19.
Phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn
- Năm nay, Hà Nội và cả nước kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới và diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước. Thành ủy có chỉ đạo như thế nào để vừa bảo đảm các hoạt động kỷ niệm ý nghĩa, vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, thưa đồng chí?
- Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 luôn là dịp lễ đặc biệt, khiến đồng chí, đồng bào Thủ đô và cả nước bồi hồi xúc động tưởng nhớ công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lớp lớp các bậc tiền bối, các thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do và hòa bình cho Tổ quốc.
Năm nay, dịp lễ này diễn ra giữa lúc Trung ương, Hà Nội xác định nhiệm vụ chính trị ưu tiên số 1 là phòng, chống dịch Covid-19, tập trung cao độ với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, coi bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết. Các hoạt động kỷ niệm, trang trí đều tối giản, tiết kiệm tối đa; tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử, cổ vũ, động viên nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, chung lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng với những hy sinh của các thế hệ đi trước, trước mắt là quyết tâm với ý chí cao nhất để đẩy lùi dịch Covid-19.
- Là đô thị 10 triệu dân với vị trí Thủ đô, Hà Nội luôn có nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 ra sao để thực hiện đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thưa đồng chí?
- Với vị trí Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội luôn xác định có nguy cơ rất cao với dịch Covid-19, nhất là trong đợt bùng phát dịch thứ tư rất nguy hiểm với biến chủng mới lây lan mạnh. Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành các văn bản chỉ đạo sát với yêu cầu thực tiễn; thường xuyên nghe báo cáo, cập nhật tình hình và cho ý kiến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chỉ đạo các giải pháp chiến thuật trước mắt, các giải pháp chiến lược lâu dài; luôn chủ động chỉ đạo tìm giải pháp sớm và cao hơn với tinh thần đi trước, làm trước. Trong đó, chủ trương thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ từ 6h ngày 24-7-2021 là một quyết định được Trung ương, dư luận và người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự đồng lòng của nhân dân và doanh nghiệp, vận dụng nhuần nhuyễn các phương châm phòng, chống dịch “3 trước”, “4 tại chỗ”, phong tỏa, cách ly theo mô hình “3 lớp” nên dù dịch bệnh diễn biến phức tạp thành phố vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình.
Hà Nội đã thiết lập được hệ thống phòng, chống dịch thống nhất, đồng bộ theo các lớp, các vòng tương đối chặt chẽ, bố trí tới tận các thôn, xóm, ngõ, phố, chung cư...
Mặc dù bùng phát dịch với nguy cơ lây lan rộng từ cuối tháng tư, nhưng nhờ tập trung cao độ, lựa chọn các giải pháp mạnh ngay từ đầu, nên đến nay, Hà Nội vẫn nắm thế chủ động kiểm soát dịch bệnh. Từ ngày 27-4 đến nay, toàn thành phố ghi nhận hơn 3.300 ca F0.
Song song với các biện pháp chống dịch quyết liệt nhằm khống chế các ổ dịch mới phát sinh, ngăn chặn dịch lây lan rộng, Hà Nội đã tập trung chuẩn bị cơ sở vật chất bảo đảm việc cách ly tập trung, điều trị bệnh nhân F0 với các phương án, kịch bản dịch diễn biến xấu, ở mức cao hơn với quyết tâm không để phải cách ly, điều trị F0, F1 tại nhà. Hiện nay, thành phố đã chuẩn bị xong phương án bảo đảm 10.000 giường bệnh điều trị F0 thể nhẹ, đang tiếp tục chuẩn bị phương án 20.000 giường và 30.000 giường bệnh. Hà Nội cũng đã kích hoạt khoảng 75.000 chỗ cách ly F1 tập trung và đang tiếp tục chuẩn bị để đáp ứng 100.000 chỗ cách ly các ca F1.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã thực hiện ngay việc hỗ trợ 12 nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-CP ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Phát huy tinh thần chủ động, với quyết tâm hỗ trợ tốt nhất cho người dân yên tâm phòng, chống dịch bệnh, thành phố đã ban hành chính sách hỗ trợ thêm 12 nhóm đối tượng đặc thù của thành phố (gồm: 10 nhóm đối tượng chưa có trong Nghị quyết số 68/NQ-CP, hỗ trợ giảm tiền nước sinh hoạt và bổ sung 500 tỷ đồng từ ngân sách thành phố ủy quyền cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho vay duy trì việc làm cho người lao động).
Hà Nội còn tích cực chi viện cho các tỉnh, thành khác, trước đây là Bắc Ninh, Bắc Giang, vừa qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì thành phố Hồ Chí Minh”, Hà Nội đã hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh 5.000 tấn gạo, tỉnh Bình Dương 1.000 tấn gạo; hỗ trợ 18 tỉnh, thành phía Nam mỗi tỉnh 3 tỷ đồng...
- Để nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, nhất là tranh thủ đợt nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 lần này, Ban Thường vụ Thành ủy có chỉ đạo như thế nào để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống dịch, thưa đồng chí?
- Ban Thường vụ Thành ủy vừa ban hành Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 1-9-2021 về “Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố”, trong đó đặc biệt lưu ý 6 nhóm nội dung yêu cầu các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở tập trung thực hiện, trọng tâm là thực hiện quyết liệt, triệt để, nghiêm túc, có hiệu quả thực chất việc giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố. Đặc biệt, thành phố yêu cầu kiểm soát chặt hơn, cần thiết áp dụng cao hơn một mức việc thực hiện giãn cách trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9.
Đáng chú ý, chúng tôi yêu cầu phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9. Các quận, huyện, thị ủy tiếp tục coi hiệu quả phòng, chống dịch làm “thước đo” năng lực, uy tín cá nhân cán bộ; năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Các cấp, các ngành tiếp tục có các giải pháp quyết liệt hạn chế người dân ra đường, nhất là khu vực phong tỏa, nơi có nguy cơ cao; trọng tâm là siết chặt quản lý, kiểm tra, giám sát từ các ngõ, phố, kiểm tra lưu động trên các tuyến đường gắn với kiểm tra các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm về phòng, chống dịch Covid-19, việc cấp và sử dụng giấy đi đường...
Coi xét nghiệm diện rộng là biện pháp mũi nhọn, thành phố yêu cầu phải tập trung ưu tiên nguồn lực để thực hiện nhằm bóc tách triệt để nguồn bệnh ra khỏi cộng đồng, truy vết F1 để chuyển cách ly tập trung; từng bước làm sạch, chuyển “vùng đỏ” thành “vùng da cam”, chuyển “vùng da cam” thành “vùng xanh”; tiến tới tổ chức xét nghiệm diện rộng cả “vùng xanh”, đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới.
Tại các khu vực có nguy cơ rất cao, thành phố sẽ lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân 2-3 ngày/lần; tại các khu vực có nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân 5-7 ngày/lần; các khu vực khác lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân ít nhất 1 lần.
Đối với biện pháp tiêm vắc xin, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đề nghị tiếp tục nâng cao năng lực các dây chuyền tiêm bảo đảm sẵn sàng tổ chức tiêm quy mô lớn, an toàn, đúng quy định khi tiếp nhận thêm vắc xin.
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu...”
- Bài học lớn nhất từ Cách mạng Tháng Tám là Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy được tổng lực sức mạnh nhân dân. Đồng chí đánh giá như thế nào về sức mạnh nhân dân trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 lần này?
- Trong suốt hơn 1 năm với 4 đợt bùng phát dịch, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ tư rất phức tạp, khó lường do các biến chủng lây lan nhanh, nhân dân Thủ đô luôn thể hiện rõ tinh thần gương mẫu, đi đầu trong phòng, chống dịch bệnh. Mặc dù ban đầu tình hình, diễn biến dịch Covid-19 rất phức tạp, nhưng nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp mạnh ngay từ đầu, Hà Nội đã khống chế, ngăn chặn dịch bùng phát, bảo vệ an toàn cho Thủ đô. Đây là thành quả rất đáng tự hào, là cơ sở để thành phố tiến tới đẩy lùi đợt dịch lần này.
Đóng góp vào kết quả quan trọng này có vai trò chủ yếu của các cấp ủy, tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị. Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 30-7-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19” đã được thực hiện tốt, phát huy hiệu quả đúng lúc. Các lực lượng tuyến đầu như y tế, công an, quân đội... luôn là nòng cốt trên các mặt trận.
Đặc biệt, các tầng lớp nhân dân không những chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, mà còn tích cực tham gia ủng hộ, quyên góp cho công tác phòng, chống dịch, mua vắc xin; cống hiến sức người, sức của siết chặt phong tỏa “vùng đỏ”, “vùng da cam”; thiết lập và bảo vệ “vùng xanh”; tham gia các tổ Covid-19 cộng đồng, bảo đảm an toàn tại các địa bàn dân cư...
Sự phối hợp, tương trợ giữa các lực lượng với nhau, giữa lực lượng chức năng với người dân ngày càng nhuần nhuyễn, hiệu quả, cộng hưởng thành sức mạnh to lớn. Truyền thống đoàn kết, chung sức, chung lòng của quân, dân Thủ đô đã làm nên chiến thắng vẻ vang trong lịch sử, trong đó có tinh thần Cách mạng Tháng Tám đang tiếp tục tỏa sáng.
- Cùng với việc phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên số 1, Thành ủy Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo như thế nào để bảo đảm việc triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; giải quyết các vấn đề cấp thiết đặt ra, thưa đồng chí?
- Song song với nhiệm vụ ưu tiên số 1 là phòng, chống dịch bệnh, Thành ủy Hà Nội đã chủ động, tích cực quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố và chỉ đạo tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; đã ban hành 10 chương trình công tác lớn, phân công các đồng chí trong Thường trực Thành ủy làm Trưởng các ban chỉ đạo. Dù chịu tác động của đại dịch, song toàn thành phố đã triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và kịp thời chỉ đạo, giải quyết tốt các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh. Ban Chỉ đạo các chương trình công tác đã họp nhiều phiên, ban hành quy chế hoạt động, xây dựng kế hoạch công tác năm, cụ thể hóa nội dung các chương trình thành đề án, dự án, chuyên đề... phân công nhiệm vụ, ấn định thời hạn hoàn thành.
Nhiều nội dung chương trình đã đi vào cuộc sống. Tiêu biểu như thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025”, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 13-5-2021 về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo” đang được các cấp ủy Đảng triển khai, tổ chức thực hiện.
Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ này cũng đã đặt ra nhiều vấn đề bức thiết phải tập trung giải quyết. Một trong số đó là tạo động lực phát triển cho các đơn vị, địa phương ngoại thành, đặc biệt là các huyện phía Nam. Thành phố có chủ trương đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư hạ tầng, tăng tính kết nối với các địa phương này để tạo động lực phát triển; đồng thời tiếp tục dành nguồn lực đầu tư nhằm xử lý hiệu quả các vấn đề cấp thiết như xử lý ô nhiễm môi trường, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh bao phủ quy hoạch, giải quyết ùn tắc giao thông...
- Đồng chí có nhắn gửi gì tới cán bộ và nhân dân Hà Nội trong lúc toàn thành phố vẫn đang tập trung thực hiện giãn cách xã hội với quyết tâm đẩy lùi dịch Covid-19?
- Mặc dù thành phố vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, nhưng nguy cơ dịch bùng phát mạnh vẫn còn hiện hữu.
Đối với người dân, bên cạnh đa số chấp hành tốt, vẫn còn một bộ phận chủ quan, chưa tự giác chấp hành quy định giãn cách xã hội, chưa bảo đảm nguyên tắc cách ly...
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo xây dựng phương án phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 trên địa bàn thành phố theo phương châm siết chặt hơn, áp dụng một số biện pháp cao hơn đối với những khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, khu vực “vùng đỏ”, “vùng da cam”. Đối với khu vực “vùng xanh”, giao đồng chí Bí thư cấp ủy và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt từng phương án để tổ chức sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ sản xuất hàng hóa cho khu vực “vùng đỏ”, “vùng da cam”, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Trên cơ sở phương án được phê duyệt, các cấp, các ngành từ thành phố đến quận, huyện, thị xã phải xây dựng ngay kế hoạch, phương án chi tiết, cụ thể tại địa phương.
Thành ủy Hà Nội kêu gọi cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở, đặc biệt là nhân dân Thủ đô tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị, nêu cao ý chí tự lực tự cường, quyết chiến, quyết thắng, kiên trì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Tất cả cùng đồng sức, đồng lòng, muôn người như một gương mẫu, đi đầu ở mọi lúc, mọi nơi trong công tác phòng, chống dịch. Mọi chủ trương, chính sách, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh cấp thiết, cấp bách hiện nay của thành phố, nếu người dân không đồng tình, ủng hộ thì cũng không thể thực hiện thành công.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong” và tư tưởng “Dân là gốc” mà Đảng ta đã quán triệt, chúng tôi tin tưởng rằng, với những nòng cốt là lực lượng tuyến đầu, các lực lượng hỗ trợ và sự chung sức, đồng lòng, chấp hành nghiêm của nhân dân, thành phố Hà Nội chắc chắn sẽ đẩy lùi đợt bùng phát dịch lần này.
76 năm về trước, sức mạnh nhân dân Hà Nội làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa vĩ đại, góp phần quan trọng khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sức mạnh ấy chắc chắn sẽ tiếp tục là nguồn động lực chiến đấu và chiến thắng đại dịch Covid-19.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.