(HNMO) - Sáng 13-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Chăn nuôi. Đây là dự án luật lần đầu được trình ra Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại phiên họp. |
Góp ý vào dự án luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, về quản lý nhà nước, nên ghi rõ trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được chủ trì và phối hợp những việc gì, đồng thời nên giảm thủ tục để người dân dễ hiểu, dễ thực hiện.
Đồng quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị ban soạn thảo rà soát các quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi, cố gắng bảo đảm sự phù hợp của dự án luật với các luật tương quan, thông lệ quốc tế, song phải tinh gọn, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Đồng chí đề nghị, luật quy định rõ hơn việc quản lý 3 loại giống vật nuôi, gồm giống vật nuôi thuần chủng Việt Nam, giống vật nuôi nhập khẩu, giống vật nuôi lai tạo, để vừa có thể giữ gìn nguồn gen quý hiếm của giống vật nuôi truyền thống của nước ta, vừa tiếp cận được nguồn gen giống vật nuôi của nước ngoài, bảo đảm tự chủ, chủ động nguồn giống vật nuôi cho sự nghiệp chăn nuôi trong nước.
Băn khoăn về tình trạng “lợn hai chuồng, rau hai luống” và việc thường xuyên phải giải cứu nông sản... trong thời gian vừa qua, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi: Liệu luật có khắc phục được tình trạng này không? Đại biểu đề nghị, ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng vấn đề này để làm sao khắc phục được hiện tượng nêu trên.
Một số ý kiến cũng cho rằng, trong Điều 7 về “Quy định các hành vi bị nghiêm cấm” cần giải thích rõ từ ngữ thế nào là “chăn nuôi nhỏ lẻ không vì mục đích thương mại” cũng như làm rõ ranh giới nội thành, nội thị. Bên cạnh đó, luật cần làm rõ các vấn đề như cấp chứng chỉ hành nghề chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc thực phẩm…
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý ban soạn thảo làm rõ phạm vi nội hàm của một số khái niệm như: Giống vật nuôi để phân biệt với giống thủy sản; sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm thủy sản, lâm sản; vật nuôi thuần chủng, vật nuôi nhập khẩu...; rà soát để bảo đảm sự thống nhất của dự án luật này với Luật Đầu tư, Luật Ngân sách, Luật Thú y, Luật Đa dạng sinh học cũng như phải cụ thể hóa các điều còn chung chung. Đặc biệt, cần chú ý đến vấn đề cấp giấy chứng chỉ hành nghề cho chủ chăn nuôi, danh mục vật nuôi, danh mục cấm, danh mục hạn chế, chất cấm, ngưỡng tồn dư, chất kháng sinh, hóa chất trong sản phẩm chăn nuôi…
Bên cạnh đó, ban soạn thảo cần rà soát thêm về cơ chế chính sách phát triển chăn nuôi gắn với chủ trương an ninh thực phẩm cũng như sự đồng bộ của các quy định hiện nay trong hệ thống như chăn nuôi, chế biến, bảo quản, tiêu dùng, bảo đảm xu thế phát triển bền vững…
* Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Luật Trồng trọt.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá dự án Luật Trồng trọt được xây dựng chặt chẽ, tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, đồng chí cho rằng, tại Điều 10 quy định về giống cây trồng có nêu về “Giống cây trồng thuộc danh mục loài cây trồng chính” nhưng trong luật lại không quy định cây trồng chính là những loại cây nào. Bên cạnh đó, vấn đề cây trồng biến đổi gen đang được nhiều người quan tâm nhưng lại không thấy nêu trong luật.
Đặc biệt, đồng chí nhấn mạnh cần nghiên cứu đánh giá, xây dựng chiến lược về quy hoạch, phát triển thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm để khắc phục tình trạng tự phát dẫn đến “được mùa, mất giá”, bấp bênh, không ổn định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga bày tỏ băn khoăn, trong trồng trọt thì “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” là chuỗi không thể thiếu, vậy tại sao không đưa thuốc bảo vệ thực vật và nước vào đối tượng điều chỉnh trong luật?
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, thuốc bảo vệ thực vật đã được chi phối bởi Luật Bảo vệ và kiểm dịch bảo vệ thực vật. Tương tự, nước rất quan trọng trong canh tác nhưng đã được chi phối bởi Luật Thủy lợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.