Lần thứ 2 trong vòng gần 1 năm tổ chức Diễn đàn quốc gia cho thấy sự quan tâm, ưu tiên của Việt Nam trong phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hôm nay (4/3), Diễn đàn quốc gia về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Đại sứ Cơ quan chiến lược quốc tế giảm nhẹ thiên tai của Liên Hợp Quốc Loren Legarda, Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát và sự tham dự của các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức tài chính, khoa học quốc tế liên quan.
Ảnh: Chinhphu.vn |
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, lần thứ 2 trong vòng gần 1 năm tổ chức Diễn đàn quốc gia cho thấy sự quan tâm, ưu tiên của Việt Nam trong phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu - thách thức lớn của toàn nhân loại hiện nay.
Phó Thủ tướng mong muốn với sự giúp đỡ, hợp tác từ cộng đồng quốc tế cả về nội dung, nguồn lực cũng như tham gia các hoạt động trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu sẽ xây dựng những cơ chế phối hợp, điều phối các hoạt động và chia sẻ thông tin về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, các đại biểu thảo luận cụ thể về nội dung, phương thức và kế hoạch lộ trình thiết lập chương trình đối tác giảm nhẹ thiên tai, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác.
Thiên tai ngày càng khốc liệt
Tại diễn đàn, các ý kiến tham luận đã trình bày những nghiên cứu, thống kê dưới nhiều góc độ khác nhau về tình hình thiên tai đang ngày càng khốc liệt, tồi tệ hơn đối với toàn cầu.
Trong năm 2010, thiên tai xảy ra trên khắp thế giới mà hậu quả do chúng gây ra đã trở thành gánh nặng cho sự phát triển đối với các quốc gia. Nhiều trận thiên tai đã gây nên các cuộc khủng hoảng về kinh tế và xã hội như núi lửa phun ở Iceland, Indonesia, động đất ở Haiti, Chile, Trung Quốc, cháy rừng ở Nga, lũ lụt tại Pakistan, hạn hán nghiêm trọng tại lưu vực sông Mekong và gần đây nhất, đầu năm 2011 là trận động đất tại New Zealand.
Theo báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc, người dân châu Á có khả năng bị ảnh hưởng của thiên tai gấp 4 lần so với châu Phi, gấp 25 lần so với châu Âu và Bắc Mỹ.
Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu với nhiều loại hình khác nhau. 6 cơn bão trên biển Đông, 4 đợt lũ lớn lịch sử tại miền Trung, nắng nóng, hạn hán, rét đậm kéo dài đã làm chết và mất tích 362 người, 490 người bị thương, 6.000 ngôi nhà bị phá hủy, gần 500.000 ngôi nhà và 300.000 ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại. Ước tính thiệt hại về vật chất khoảng 16.000 tỷ đồng
Việt Nam đã có tầm nhìn dài hạn về thiên tai và biến đổi khí hậu
Đánh giá từ cộng đồng quốc tế cho thấy, Việt Nam đã có một tầm nhìn dài hạn, những nỗ lực hợp tác trong phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, mà trong đó có việc thành lập và hoạt động thường xuyên Diễn đàn quốc gia và chiến lược quốc gia.
Các đại biểu quốc tế cũng bày tỏ mong muốn chính thức thành lập Diễn đàn thường niên, các ý kiến tại Diễn đàn sẽ được chuyển thành những dự án đầu tư phát triển cụ thể đối với phòng chống rủi ro thiên tai ở Việt Nam trong thời gian tới.
Một số tham luận đã trình bày những cơ chế thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự tham gia và đóng góp của kinh tế tư nhân, các tổ chức đoàn thể xã hội và các tổ chức phi chính phủ trong quá trình xóa đói giảm nghèo, tái thiết sau thiên tai và xây dựng an sinh xã hội.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, 5 thành phố lớn của Việt Nam đã ký cam kết tham gia Chiến dịch Thành phố an toàn trước thiên tai. Các đại biểu dự Hội nghị cũng kêu gọi các địa phương khác của Việt Nam tham gia sáng kiến, Chiến dịch Thành phố an toàn do Liên Hợp Quốc phát động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.