(HNMO) - Ngày 26-4, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức tổ chức Hội thảo khoa học “Cập nhật những tiến bộ trong phẫu thuật cột sống có ứng dụng robot hỗ trợ trên thế giới và Việt Nam”.
Hội thảo khoa học “Cập nhật những tiến bộ trong phẫu thuật cột sống có ứng dụng robot hỗ trợ trên thế giới và Việt Nam” ngày 26-4 |
Thông tin tại hội thảo cho thấy, trên thế giới, việc ứng dụng robot hỗ trợ phẫu thuật đã được triển khai trong những năm gần đây, ngày càng được hoàn thiện hơn về công nghệ, kỹ thuật.. Riêng trong lĩnh vực cột sống, robot được áp dụng trong các hoạt động phẫu thuật ít xâm lấn, đem lại ưu thế vượt trội.
Các chỉ định cụ thể của phẫu thuật ứng dụng robot hỗ trợ hiện nay là: Phẫu thuật bắt vít cột sống ngực - thắt lưng qua cuống trong phẫu thuật chỉnh vẹo, phẫu thuật chấn thương cột sống, bệnh lý thoát vị đĩa đệm hoặc trượt đốt sống hàn xương liên thân đốt, bơm xi măng (cement) sinh học hoặc sinh thiết thân đốt sống qua cuống...
Từ tháng 12-2012, lần đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á và lần thứ hai tại Châu Á, khoa Phẫu thuật cột sống (PTCS) của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức ứng dụng robot Renaissance trong phẫu thuật chấn thương cột sống. Từ đó đến nay, Bệnh viện Việt - Đức đã tiến hành phẫu thuật thành công cho 190 bệnh nhân vẹo cột sống và 320 bệnh nhân trượt đốt sống, 6 bệnh nhân chấn thương cột sống.
Thầy thuốc Nhân dân-PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam cho biết, trong PTCS, xác định đúng vị trí cần bắt vít rất quan trọng, giúp tránh gây tổn thương đến các dây thần kinh. Kỹ thuật mổ ít xâm lấn đồng nghĩa với việc các bác sĩ sẽ bị giới hạn khoảng nhìn trong vùng cần thao tác so với mổ mở, do đó sẽ phải chụp Xquang nhiều hơn để dễ quan sát hơn.
Việc phát tia X nhiều có nguy cơ gây ung thư cho bệnh nhân và phẫu thuật viên. Việc sử dụng robot giúp các bác sĩ định vị và tiến hành các thao tác chính xác nhất trên xương sống của bệnh nhân (độ chính xác tới 1mm) trong khi lượng tia phóng xạ phát ra được giảm thiểu tối đa để tránh gây hại cho cả bác sĩ và người bệnh.
Cũng theo Thầy thuốc Nhân dân-PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, hệ thống robot sẽ thay đổi kỹ thuật mổ cột sống ít xâm lấn từ phương pháp hoàn toàn dùng tay của các bác sĩ trước đây sang phương pháp dùng sự hỗ trợ của robot. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, độ chính xác khi ứng dụng robot là 98,3% (nếu không sử dụng robot hỗ trợ, tỷ lệ vít bị bắt lệch vào khoảng hơn 10%). Thêm vào đó, việc sử dụng robot giúp giảm tổn thương không cần thiết đến các vùng mô và tế bào xung quanh. Do đó, bệnh nhân sẽ tránh được những rủi ro trong phẫu thuật, giảm nguy cơ phải mổ lại, mất máu ít hơn, ít sẹo hơn, ít đau hơn, hồi phục nhanh hơn.
Dịp này, Khoa Phẫu thuật cột sống (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) và Thầy thuốc Nhân dân-PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch đã được Tổ chức Nghiên cứu và Ứng dụng robot trong PTCS trao Kỷ niệm chương Vì sự tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng robot hỗ trợ chính xác Renaissance để điều trị cho người bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.