Y tế

Tái cận thị sau phẫu thuật - vì đâu?

Thu Trang 19/01/2024 - 07:30

Phẫu thuật cận thị ngày càng trở nên phổ biến, giúp nhiều người loại bỏ sự phụ thuộc vào kính.

Tuy nhiên, không ít người chọn phương pháp phẫu thuật với chi phí cao nhưng vẫn tái cận, thậm chí thị lực yếu hơn so với trước.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa mắt, có nhiều nguyên nhân gây tái cận sau phẫu thuật và không phải ai cũng có thể phẫu thuật chữa cận thị...

can-thi.jpg
Khám cho người bệnh trước khi phẫu thuật cận thị tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2. Ảnh: Lộc Xuân

Nhiều nguyên nhân gây tái cận

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự đoán, 50% dân số toàn cầu có khả năng bị cận thị vào năm 2050. Tại Việt Nam, số người cận thị tăng mạnh trong những năm gần đây, nhất là khu vực thành thị. Trong đó, tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ cận thị có thể lên tới 50-70% ở học sinh. Hiện nay, phẫu thuật cận thị là phương pháp phổ biến giúp điều chỉnh độ cong của giác mạc, hoặc đặt thấu kính bên trong mắt để khử độ cận. Thế nhưng, không phải ai phẫu thuật cũng thành công.

Đơn cử như trường hợp của anh H.V.T đang học năm thứ hai tại một trường quân đội ở thành phố Hà Nội. Trước đó, vì muốn đủ điều kiện xét tuyển vào trường, anh T. đã quyết định phẫu thuật cận thị với chi phí hơn 30 triệu đồng. Tuy nhiên, sau hơn một năm, anh thấy mắt của mình bắt đầu có dấu hiệu nhìn mờ hơn, ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Anh T. chia sẻ: “Sau mổ, bác sĩ có hướng dẫn cách chăm sóc mắt nhưng do em chủ quan, nhỏ mắt không đúng hướng dẫn và cũng thường xuyên thức khuya”. Đi khám lại, anh T. được chẩn đoán tái cận thị với số độ 1.5 đi-ốp.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Nga, Trưởng khoa Khúc xạ (Bệnh viện Mắt Hà Nội 2) cho biết, có nhiều nguyên nhân gây tái cận sau phẫu thuật. Có thể là do người bệnh quyết định phẫu thuật cận thị khi chưa đủ 18 tuổi, nghĩa là còn đang trong độ tuổi có thể tăng độ cận nên tiềm ẩn nguy cơ bị cận thị trở lại sau một vài năm phẫu thuật. Còn với người từ 18 tuổi trở lên, đủ điều kiện để phẫu thuật nhưng bỏ qua thời gian theo dõi tiến triển nên không phát hiện ra tình trạng cận thị chưa ổn định, mắt vẫn tăng độ cận.

Bên cạnh đó, sau khi phẫu thuật, người bệnh không tuân thủ chỉ định của bác sĩ như không sử dụng thuốc theo toa, không tái khám và theo dõi định kỳ dẫn tới mắt dễ bị khô và nhức mỏi, nhìn mờ. Ngoài ra, việc tự theo dõi và đo mắt hay đeo lại kính hỗ trợ từ các cơ sở thiếu uy tín cũng sẽ kích thích mắt tái cận lại.

Bác sĩ Lê Xuân Cung (Bệnh viện Mắt trung ương) cho rằng, sau phẫu thuật vẫn có tỷ lệ nhỏ bệnh nhân bị tái cận, nhất là với những trường hợp chưa hết tiến triển cận thị hoặc người bệnh vẫn phải làm việc bằng mắt nhiều. Phẫu thuật cận thị hiện nay có nhiều phương pháp. Với mỗi phương pháp lại có những ưu và nhược điểm khác nhau. Do vậy, người bệnh cần cân nhắc rất kỹ và xin tư vấn của bác sĩ chuyên khoa trước khi lựa chọn phương pháp điều trị.

“Nhóm người có độ cận cao từ 7.0 đi-ốp đến 8.0 đi-ốp trở lên có khả năng tái cận cao hơn so với nhóm người có độ cận trung bình và thấp. Cũng không loại trừ khả năng người muốn mổ cận nhưng giác mạc mỏng nên chỉ có thể giảm số độ cận hiện có, sau phẫu thuật vẫn còn tồn dư độ. Với các bệnh nhân này, phẫu thuật viên cần tư vấn kỹ và người bệnh cần cân nhắc trước khi đồng ý phẫu thuật”, bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Nga lưu ý.

Không phải ai cũng có thể phẫu thuật

Gõ cụm từ “phẫu thuật cận thị”, chỉ trong chưa đầy 0,27 giây đã cho hơn 7 triệu kết quả về nội dung này. Điều đó cho thấy, nhu cầu phẫu thuật chữa cận thị hiện nay rất lớn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Nga, không phải ai cũng có thể phẫu thuật chữa cận thị. Người có nhu cầu cần phải được khám chuyên sâu để có tư vấn phù hợp và điều trị các bệnh lý ở mắt (nếu có) trước khi phẫu thuật.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Nga dẫn chứng, với trường hợp người bệnh có dấu hiệu khô mắt, phải điều trị ổn định xong mới tiến hành phẫu thuật. Nếu không điều trị ổn định khô mắt thì sau khi phẫu thuật, tình trạng này sẽ càng nghiêm trọng hơn. Mắt dễ bị kích thích chảy nhiều nước mắt và nhức mỏi hơn, có thể dẫn đến giảm thị lực.

Đặc biệt, với những người có độ cận cao cần được thăm khám toàn diện để đánh giá nguy cơ tiềm ẩn có thể mắc các bệnh lý như thoái hóa võng mạc, tân mạch hoàng điểm, lỗ rách võng mạc đi kèm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý ở mắt thì sau khi phẫu thuật, thị lực có thể sẽ còn yếu hơn trước.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ nhãn khoa, phẫu thuật cận thị chỉ nên đặt ra khi người bệnh không đeo được kính như độ cận hai bên lệch nhau quá 3.0 đi-ốp, nhìn lóa khi đeo kính, một số nghề nghiệp không cho phép đeo kính khi làm việc...

Ngoài ra, chỉ định phẫu thuật cận thị áp dụng từ 18 tuổi trở lên, có độ cận ổn định ít nhất trong thời gian 6 tháng (không tăng quá 0.5 đi-ốp), không mang thai, hoặc cho con bú, không mắc các bệnh lý cấp tính tại mắt cũng như toàn thân, giác mạc bình thường và không tiềm ẩn bệnh lý tiến triển, độ dày giác mạc cho phép.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tái cận thị sau phẫu thuật - vì đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.