(HNM) - Năm 2019, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai thi công trên 88 tuyến đường ứng dụng công nghệ khoan ngầm bằng máy móc và rô bốt. Phương pháp mới này hứa hẹn có nhiều lợi ích thay vì phương pháp đào đường truyền thống.
Nhiều năm qua, các tuyến đường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh liên tục bị đào lên, lấp xuống để thi công các công trình điện, nước, cáp viễn thông... Phản ánh về sự bất tiện này, bà Chu Thị Bá (đường Nguyễn Thị Định, quận 2) cho hay, gần một năm nay, đường Nguyễn Thị Định bị đào xới nham nhở để thực hiện dự án vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 2. Hiện có 4 "lô cốt" đang án ngữ nửa mặt đường và ngừng thi công nhiều tháng nay. “Cứ vào giờ cao điểm, việc lưu thông rất khó khăn, nhiều vị trí mặt đường trồi sụt rất nguy hiểm cho người đi đường”, bà Bá than thở.
Hiện TP Hồ Chí Minh có tới 148 vị trí rào chắn công trình trên 60 tuyến đường ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trong đó có các rào chắn của dự án cải thiện môi trường nước (giai đoạn 2); dự án giải quyết ngập có xét tới yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1); các dự án nâng cấp, cải tạo ở các tỉnh lộ, các tuyến đường trên địa bàn thành phố... Năm 2018, Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải thành phố đã xử lý hơn 880 vụ vi phạm trong lĩnh vực thi công công trình đường bộ. Ðặc biệt, việc thu dọn, tái lập mặt đường ẩu chiếm tới hơn 50% số vụ vi phạm.
Trước thực trạng trên, Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh đang có kế hoạch tập trung triển khai ứng dụng công nghệ vào đào đường. Trong đó, năm 2019 sẽ có 88 tuyến đường được yêu cầu phải thực hiện công nghệ khoan ngầm. Những công trình phải thực hiện khoan ngầm gồm: Điện, cấp thoát nước và viễn thông.
Trong đó, TP Hồ Chí Minh đã cho ứng dụng công nghệ khoan ngầm kéo ống (công nghệ của Mỹ) trên một số tuyến đường để thay thế cho phương pháp đào hở truyền thống. Công nghệ này được áp dụng thi công lắp đặt đường ống dài 500m băng qua đại lộ Mai Chí Thọ (quận 2) trong vòng 35 ngày (phương pháp đào hở mất khoảng 70 ngày). Tương tự, dự án lắp đặt camera giám sát giao thông trên quốc lộ 1 (từ An Sương đến vòng xoay An Lạc) dài 14km bằng công nghệ khoan kích ngầm với thời gian 56 ngày (đào đường hở mất 1 năm)...
Công nghệ khoan ngầm kéo ống là phương pháp thi công mới bằng cách đưa mũi khoan đi ngầm dưới đất và dùng máy kích thủy lực công suất lớn để đẩy các đốt ống xuyên vào lòng đất. Mũi khoan có thể linh hoạt điều chỉnh, né tránh các công trình ngầm hiện hữu trong quá trình thi công; sau khi hoàn tất, toàn bộ dữ liệu sẽ được lưu trữ, phục vụ cho các công trình sau này.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, kỹ sư Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu - đường - cảng TP Hồ Chí Minh cho biết, khi sử dụng công nghệ đào ngầm kín bằng máy móc và rô bốt sẽ giảm nhân lực trong thi công, thời gian thực hiện chỉ bằng 1/2 đến 1/5 so với thi công đào hở, không gây hư hỏng mặt đường và chi phí chỉ bằng 60-70% so với phương pháp truyền thống. Để bảo đảm hiệu quả, thời gian tới cần thực hiện đấu thầu rộng rãi để có thể lựa chọn được công nghệ tiên tiến và phù hợp với đặc điểm địa hình từng tuyến đường.
Ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải thành phố cho biết: Trước mắt, để bảo đảm an toàn giao thông cho người dân đi lại dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, lực lượng thanh tra giao thông sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong thi công công trình đường bộ, tập trung xử lý tình trạng hoàn trả, tái lập không đúng quy định. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.