(HNMO) -Từ đầu năm đến nay, tỷ giá VND/USD đã tăng khoảng 2,6%. Vậy đến cuối năm, tỷ giá sẽ diễn biến ra sao?
Tỷ giá VND/USD đã trải qua những tháng biến động mạnh. Đầu tháng 7, giá USD tại ngân hàng vượt mốc 23.000 VND, lên 23.005 VND-23.075 VND (mua vào-bán ra) khi tăng tới gần 100 VND so với cuối tháng liền trước.
Giá USD có thời điểm lên sát mức trần
Tỷ giá biến động mạnh như vậy được cho là một số yếu tố trong và ngoài nước tác động tới tâm lý thị trường, như thị trường chứng khoán trong nước một số phiên giảm điểm mạnh, USD trên thị trường thế giới tăng giá và đồng nhân dân tệ mất giá so với USD; lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng tăng theo xu hướng tăng của lãi suất thế giới trong khi lãi suất liên ngân hàng VND vẫn ở mức thấp. Tỷ giá tăng cao về cơ bản không có lợi cho nền kinh tế, bởi nền sản xuất của nước ta phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Từ nay đến cuối năm, áp lực tỷ giá VND/USD là có nhưng không mạnh như những tháng qua (ảnh minh họa, nguồn: internet) |
Thời điểm đó, nhằm ứng phó với diễn biến căng thẳng của tỷ giá VND/USD, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những động thái điều hành khá linh hoạt. Cơ quan quản lý này can thiệp nhằm bình ổn thị trường bằng việc niêm yết giá bán ở mức thấp, chỉ là 23.050 VND/USD, giảm tới 244 đồng, tương đương 1% so với mức niêm yết trước đó. Sau đó 20 ngày, NHNN tạm ngừng việc bình ổn thị trường bằng cách tăng mạnh giá bán ra USD (tăng 223 đồng, tương đương 0,9%). Động thái trên nhằm mục đích đưa giá tỷ giá về đúng diễn biến của thị trường, nhất là trong bối cảnh đồng nhân dân tệ vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm giá trong ngắn hạn. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng khẳng định sẵn sàng hỗ trợ thị trường tại mức tỷ giá hợp lý.
Ngay sau khi NHNN tăng giá bán, các ngân hàng thương mại đã nhanh tay tăng từ 130-160 VND/USD, lên sát mức 23.300 VND.
Trong tháng 8, tỷ giá có một số phiên biến động mạnh, lên sát giá trần. Trong đó, giá bán ra tại Vietcombank có thời điểm lên mức 23.365 VND. Tuy nhiên, những ngày gần đây, tỷ giá tương đối ổn định. Giá đồng bạc xanh được giao dịch quanh mức 23.330 VND.
Tính chung từ đầu năm đến nay, tỷ giá VND/USD đã tăng khoảng 2,6%, là mức tăng khá mạnh so với cùng kỳ những năm gần đây.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tỷ giá trong nước những tháng qua tăng mạnh hơn so với cùng kỳ các năm trước bởi đồng USD lên giá khá mạnh (khoảng 2,8%), nhưng so với các đồng tiền khác trong khu vực, VND vẫn tương đối ổn định. Chẳng hạn, đồng peso của Philippines mất giá khoảng 7,4%, nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá khoảng 5%, rupee của Ấn Độ là khoảng 8%.
Áp lực tỷ giá không còn lớn như trước
Nhận định về tỷ giá VND/USD từ nay đến cuối năm, vị chuyên gia này cho biết, áp lực tỷ giá vẫn còn bởi đồng USD tiếp tục tăng giá nhưng không tăng mạnh như những tháng qua. Trung Quốc đã điều chỉnh khá mạnh đồng nhân dân tệ thời gian qua. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, dự báo nước này không điều chỉnh mạnh đồng nhân dân tệ nữa. Vì vậy, “áp lực tỷ giá VND/USD là có nhưng không lớn như trước”, chuyên gia Cấn Văn Lực nhìn nhận.
Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV dự báo, cả năm 2018, VND có thể mất giá so với USD là khoảng 3%. Theo ông, mức giảm trên là chấp nhận được trong bối cảnh giá USD trên thế giới tăng mạnh, nhiều đồng tiền trong khu vực mất giá.
Cùng quan điểm trên, tại một báo cáo chuyên đề, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, việc điều hành tỷ giá VND/USD của NHNN trong thời gian còn lại của năm 2018 sẽ tiếp tục phù hợp với diễn biến thị trường và đảm bảo các cân đối vĩ mô. Việc giảm giá VND quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến lạm phát và niềm tin vào VND, nhưng nếu đồng nhân dân tệ tiếp tục lao dốc so với USD trên thị trường thế giới thì việc điều hành tỷ giá VND/USD trong nước cũng cần phải ứng phó linh hoạt. “Chúng tôi duy trì quan điểm VND sẽ có mức mất giá khoảng 3% cho cả năm nay”, BVSC nhấn mạnh.
VND được dự báo mất giá khoảng 3% cho cả năm 2018 nhưng theo các chuyên gia, người dân giữ VND vẫn có lợi hơn USD. Lý do là bởi hiện nay lãi suất tiền gửi USD là 0% trong khi lãi suất tiền gửi VND là khoảng 7%.
Vào cuối năm, nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp thường tăng cao. Thời điểm mùa vụ sắp đến, để tránh rủi ro, chuyên gia Cấn Văn Lực khuyến cáo doanh nghiệp cần bám sát thị trường. Cùng với đó, doanh nghiệp phối hợp với ngân hàng thương mại sử dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá, đặc biệt là công cụ phái sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.