Chính trị

Hiệp định Geneva khẳng định bản sắc ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh

Nguyễn Thúc 25/04/2024 13:20

Sáng 25-4, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 - 21/7/2024).

Sự kiện có chủ đề “Hiệp định Geneva 1954 - Thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam trên con đường bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ".

lnh03116(1).jpg
Quang cảnh lễ kỷ niệm. Ảnh: Hoàng Linh

Lễ kỷ niệm được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối với điểm cầu của tất cả cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Tham dự trực tiếp lễ kỷ niệm có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương; đại sứ, đại diện các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam...

Hiện diện tại buổi lễ còn có đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ, đại diện gia đình các thế hệ cán bộ tham gia phục vụ Hội nghị Geneva năm 1954.

lnh03111.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Hoàng Linh

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ lãnh đạo tiền bối, công lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc; các thế hệ cách mạng lão thành đã tham gia đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva, góp phần mở ra thời kỳ chiến lược mới của cách mạng Việt Nam, tiến tới hoàn thành mục tiêu thiêng liêng là giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Với Hiệp định Geneva, lần đầu tiên trong lịch sử, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ đã chính thức được khẳng định trong một điều ước quốc tế.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang

Phó Thủ tướng nêu rõ, Hiệp định Geneva đã khẳng định tâm thế sáng ngời, bản lĩnh và bản sắc ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, khẳng định mạnh mẽ thông điệp về một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, trọng công lý và lẽ phải, có ý chí quật cường bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, sẵn sàng hợp tác hữu nghị với mọi quốc gia, mọi dân tộc trên thế giới.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam luôn ghi nhớ tình đoàn kết trong sáng và sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân Lào, Campuchia, các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhân dân Pháp, dành cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Phát biểu chào mừng tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết cách đây 70 năm đã mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta.

lnh03075.jpg
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi lễ.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trải qua 70 năm, những bài học từ đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneva vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, trước những phức tạp của thế giới hiện nay, việc vận dụng sáng tạo các bài học lịch sử đã giúp Việt Nam xử lý đúng đắn các mối quan hệ đối ngoại trên cơ sở kiên định về nguyên tắc, linh hoạt trong sách lược, ứng xử, nêu cao tinh thần hòa hiếu, hữu nghị, kiên trì đối thoại và hợp tác.

Chia sẻ cảm xúc tại buổi lễ, các đại sứ Lào và Campuchia cũng bày tỏ vinh dự được tham gia Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneva.

Theo Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh, Hiệp định Geneva năm 1954 thể hiện rõ rằng, đường lối chiến tranh về mặt quân sự và chính trị ngoại giao sáng suốt, linh hoạt, tinh thần hy sinh, sự đoàn kết nội bộ và quốc tế của lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) cũng như lãnh đạo của Đảng Cộng sản ba nước.

lnh03175.jpg
Đại sứ Lào Khamphao Ernthavanh phát biểu tại buổi lễ.

Theo Đại sứ, những bài học rút ra từ Hội nghị Geneva và kinh nghiệm giải phóng Điện Biên Phủ đã trở thành ngọn đuốc sáng rực soi đường cách mạng, kết hợp nỗ lực quân sự và ngoại giao trong nhiều chiến dịch chống giặc ngoại xâm và giải phóng hoàn toàn ba nước Đông Dương vào năm 1975.

Trong khi đó, Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chea Kimtha khẳng định, những nỗ lực không mệt mỏi và những hy sinh cao cả đã tạo ra thành tựu là Hiệp định Geneva, là bước quan trọng hướng tới khôi phục hòa bình trong khu vực.

lnh03212.jpg
Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chea Kimtha phát biểu tại buổi lễ.

Đại sứ cho biết, tuy Campuchia, Lào, Việt Nam chưa đạt được hòa bình ngay sau Hiệp định, nhưng ba nước đã kề vai sát cánh, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp đoàn kết dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ cũng như trong cuộc chiến chống nạn diệt chủng ở Campuchia, và ngày nay tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau trong các khuôn khổ song phương và đa phương nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên tinh thần láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và ổn định lâu dài.

Thay mặt thế hệ trẻ phát biểu tại lễ kỷ niệm, anh Phạm Phú Đạt (Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao) khẳng định: "Tiếp bước các thế hệ cha anh, đội ngũ cán bộ đối ngoại, ngoại giao đã và đang chung sức xây dựng một nền ngoại giao độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam".

lnh03223.jpg
Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham quan triển lãm hình ảnh và những hiện vật liên quan tới Hội nghị Geneva. Ảnh: Hoàng Linh

Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã dành thời gian tham quan triển lãm hình ảnh và những hiện vật liên quan tới Hội nghị Geneva; tặng hoa và cùng chụp ảnh với đại diện gia đình cán bộ tham gia phục vụ, đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneva.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệp định Geneva khẳng định bản sắc ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.