(HNM) - Sáu tháng đầu năm 2022, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế nước ta đã có bước phục hồi tích cực với tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) vượt kịch bản đề ra. Tính chung 6 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương mức bình quân các năm trước dịch Covid-19. Đặc biệt, 44/63 tỉnh, thành phố tăng trưởng trên 6%, cho thấy sự phát triển đồng đều ở các khu vực và địa phương.
Ngoài ra, nhiều thành tựu, kết quả của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nổi bật là Chỉ số "Chất lượng sống" của Việt Nam đạt 78,49 điểm, xếp vị trí 62/165 quốc gia, tăng 39 bậc chỉ sau 1 năm.
Có được thành công đó là do sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự vào cuộc tích cực của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực của các cấp, ngành; sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp và hỗ trợ của bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, tình hình thế giới còn tiềm ẩn nhiều biến động và rủi ro, tác động tới Việt Nam như: Giá xăng, dầu liên tục tăng cao, lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ… Ở trong nước, việc giải ngân đầu tư công còn nhiều vướng mắc, bất cập; đời sống người dân một số nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, những người bị tác động bởi dịch Covid-19 còn khó khăn...
Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2022 diễn ra ngày 4-7, ngoài nhấn mạnh những thành công trong tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm là rất nặng nề. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo chung là tuyệt đối không chủ quan, lơ là, luôn giữ vững nguyên tắc cơ bản nhưng chủ động, linh hoạt, sáng tạo, biến nguy thành cơ, tận dụng tốt cơ hội để phát triển bền vững nhằm đạt tăng trưởng GDP 7% trong năm nay.
Để “về đích” như cam kết, ngay thời điểm này cần nhất quán mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh. Nghiên cứu, tiến hành thận trọng chính sách hỗ trợ về xăng, dầu với một số đối tượng. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt.
Các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, quy hoạch, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính... Đồng thời, triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các nghị quyết về phát triển vùng và các dự án giao thông trọng điểm vừa được Quốc hội thống nhất chủ trương đầu tư.
Càng khó khăn thì việc không chủ quan, lơ là, nhất quán, kiên trì mục tiêu tăng trưởng thông qua việc đưa ra những quyết sách kịp thời luôn là chìa khóa của thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.