(HNM) - Theo kết quả giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố đã được chú trọng, nhưng có lúc, có nơi chưa trúng đối tượng, hình thức chưa phù hợp.
Ban Pháp chế HĐND thành phố làm việc với Sở Tư pháp về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. |
Một số bất cập
Qua đợt giám sát mới đây của Ban Pháp chế HĐND thành phố tại các quận, huyện về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thấy, cơ bản các địa phương đã thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật theo kế hoạch. Nhiều đơn vị đã sử dụng hình thức tuyên truyền thông qua việc xét xử các vụ án lưu động; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh; qua công tác hòa giải ở cơ sở...
Tuy vậy, theo đánh giá của Ban Pháp chế HĐND thành phố, dù đã được quan tâm, song công tác này vẫn còn nhiều hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở thuộc các quận, huyện: Hoàng Mai, Ba Đình, Tây Hồ, Gia Lâm, Mê Linh, Hoài Đức… chưa nhận thức đầy đủ vai trò, tầm quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, cho rằng đây là nhiệm vụ của ngành Tư pháp, nên chưa sát sao kiểm tra, đôn đốc công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Từ đó, dẫn đến có tuyên truyền, nhưng chưa sâu rộng đến người dân; hình thức chưa phong phú, chất lượng, hiệu quả chưa đồng đều. Đáng lưu ý, ở một số cơ sở thuộc thị xã Sơn Tây và hai huyện Sóc Sơn, Đan Phượng, nhận thức về pháp luật của người dân còn thấp; nhu cầu của mỗi đối tượng khác nhau, nhưng cách thức tuyên truyền, phổ biến chưa hiệu quả, chưa trúng. Một số phường, xã thuộc các quận, huyện: Long Biên, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Đan Phượng, việc đầu tư, sử dụng, khai thác tủ sách pháp luật chưa hiệu quả.
Theo Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Thủy, nguyên nhân trên còn do nguồn kinh phí chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nên chất lượng chưa đồng đều. Đến nay, chưa có quy định về định mức kinh phí dành cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở mỗi cấp, nên tùy theo ngân sách mà địa phương bố trí cho công tác này (nơi nhiều là 500 triệu đồng/năm; nơi ít khoảng 200 triệu đồng/năm). Chế độ quy định thù lao cho hòa giải viên, báo cáo viên pháp luật còn thấp, chưa thực sự khuyến khích, phát huy tiềm năng của đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Hướng đến xây dựng tủ sách pháp luật điện tử
Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương cho biết, hạ tầng công nghệ thông tin tại quận khá tốt, nên việc truy cập khai thác văn bản pháp luật từ cơ sở dữ liệu quốc gia và thành phố nhanh, hiệu quả hơn so với việc tra cứu tủ sách pháp luật. Vì thế, thành phố cần xem xét về tính hiệu quả của tủ sách pháp luật, không nên đầu tư, trang bị đại trà. Đối với các quận có hạ tầng công nghệ thông tin tốt, nên bỏ đầu tư tủ sách pháp luật; mà chỉ nên duy trì ở những xã vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, thành phố cũng ban hành tiêu chí xây dựng tủ sách pháp luật điện tử cho phù hợp với xu thế phát triển để các đơn vị triển khai thống nhất.
Ở khía cạnh khác, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh cho rằng, hiệu quả công tác tuyên truyền phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ báo cáo viên. Vì vậy, ngoài tăng cường tập huấn, cần kiểm tra, giám sát việc chủ động cập nhật kiến thức pháp luật, quy định mới của các cơ quan hành pháp, tư pháp đối với cán bộ và báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.
Ngoài ra, theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương, thời gian tới cần quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với vận hành, khai thác có hiệu quả Trang thông tin điện tử tuyên truyền, phổ biến pháp luật của thành phố, Sở sẽ biên soạn, phát tài liệu tìm hiểu pháp luật đến các sở, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, quận, huyện, xã, phường, thị trấn.
Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam đề nghị thêm, Sở Tư pháp thành phố cần đổi mới nội dung, cách thức phát tờ rơi tuyên truyền. Hiện nay, ở một số xã, tủ sách pháp luật chủ yếu để trưng bày, việc cập nhật của người dân rất hạn chế. Trong khi đó, hệ thống truyền thanh ở các xã vẫn phát huy hiệu quả; phát tờ rơi đến các gia đình rất lãng phí, có nơi biến thành “rác”... Vì thế, Sở Tư pháp cần nghiên cứu các giải pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến các đối tượng cho trúng; nên giảm tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh khối phường, nhưng tăng cường tuyên truyền bằng hình thức này ở khối xã.
Giai đoạn 2016-2017, Sở Tư pháp Hà Nội đã biên soạn, phát hành 275.000 tờ gấp tuyên truyền về thừa phát lại; 10.000 cuốn tài liệu tìm hiểu Luật Công chứng; 11.000 cuốn tìm hiểu về Bộ luật Hình sự năm 2015; 11.000 cuốn tìm hiểu Bộ luật Tố tụng hình sự; 150.000 tờ gấp tìm hiểu Luật Trợ giúp pháp lý, tuyên truyền tới các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và cơ sở. Ngoài ra, Sở thường xuyên tổ chức hội nghị giới thiệu, phổ biến pháp luật; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các văn bản pháp luật trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.