(HNM) - Dù còn khoảng 5 tháng nữa mới đến thời điểm tuyển sinh vào lớp 10, song hiện nay, không ít trường THPT ngoài công lập đã bày tỏ lo lắng về nguy cơ gặp khó khăn do thiếu nguồn tuyển sinh cho năm học 2018-2019.
“Nhấp nhổm” trước mùa tuyển sinh
Ở mùa tuyển sinh năm học 2018-2019, quy mô học sinh lớp 10 THPT được dự báo tăng khoảng 24.000 so với mọi năm, tức là sẽ có khoảng 104.000 học sinh lớp 9 trong độ tuổi vào lớp 10. Trong khi các trường THPT công lập hối hả chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể “tải” được số lượng học sinh tăng đột biến thì không ít trường THPT ngoài công lập lại khá lo lắng. Nguồn tuyển hạn chế dường như đã trở thành mối lo thường trực của các trường.
Các thí sinh tại kỳ thi vào lớp 10 năm 2017. Ảnh: Nhật Nam |
Ghi nhận từ thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn tới mối lo nói trên. Bà Lê Thị Chính, Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Newton (quận Bắc Từ Liêm) cho rằng, khá nhiều trường ngoài công lập đang gặp khó khăn trong quá trình mở rộng quy mô phát triển, một trong những khó khăn đó là công tác tuyển sinh.
“Nên chăng, cơ quan quản lý cần có quy định riêng về tuyển sinh phù hợp với thực tế của các trường ngoài công lập, đồng thời tạo điều kiện để các trường phát triển. Thực tế, hầu hết các trường ngoài công lập khá bị động vì không đủ thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt để có đủ điều kiện tuyển sinh. Nếu như thời điểm này các trường công lập đã nắm được số liệu cơ bản về quy mô học sinh vào các lớp đầu cấp, từ đó có căn cứ để chuẩn bị các điều kiện đáp ứng, thì các trường ngoài công lập lại lâm vào cảnh bị động” - bà Lê Thị Chính phân tích.
Đại diện lãnh đạo Trường THPT Ngô Sỹ Liên (huyện Chương Mỹ) cũng bày tỏ sự lo lắng, bởi dù nhà trường đã đầu tư một khoản kinh phí rất lớn để xây dựng cơ sở vật chất khang trang, thiết bị dạy học hiện đại, đầy đủ, nhưng lại vẫn gặp trở ngại trong công tác tuyển sinh lớp 10. Theo đại diện lãnh đạo trường này, một trong những nguyên nhân là quy hoạch mạng lưới chưa đồng đều, mật độ trường THPT trên địa bàn khá dày, thậm chí có cả trường đại học cũng mở khối THPT nên nguồn tuyển không còn dồi dào như trước.
Không chỉ lo lắng về nguồn tuyển, nhiều trường THPT ngoài công lập còn có chung mối lo về chất lượng “đầu vào”. Theo bà Tạ Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thái Tổ (quận Cầu Giấy), Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần nghiên cứu điều chỉnh phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT để khuyến khích học sinh học toàn diện hơn, đặc biệt là tiếng Anh chứ không chỉ tập trung vào 2 môn ngữ văn và toán như hiện nay. Việc học lệch khiến cho các em vào học lớp 10 rất vất vả, giáo viên cũng mất nhiều thời gian và công sức hơn, ảnh hưởng đến kết quả giáo dục.
40% chỉ tiêu cho các trường ngoài công lập
Ngày 31-1-2018 là hạn cuối cùng để các trường THPT hoàn thành việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019. Để có căn cứ giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho từng trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ thành lập các đoàn thẩm tra điều kiện tuyển sinh của từng trường THPT, cả công lập và ngoài công lập. Riêng đối với các trường ngoài công lập, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người học đồng thời tạo sự công bằng trong quá trình phát triển của các trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường rà soát điều kiện tuyển sinh đã được quy định tại Văn bản số 740/QĐ-SGD&ĐT ngày 23-2-2016 với 5 tiêu chuẩn bắt buộc, trong đó có điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Đây là việc cần thiết bởi trong thực tế, tại Hà Nội, không ít trường ngoài công lập có cơ ngơi khang trang nhưng cũng còn một số trường có cơ sở vật chất xuống cấp, lạc hậu.
Trước mối lo thiếu nguồn tuyển, ông Nguyễn Thế Sơn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, chỉ tiêu của các trường THPT ngoài công lập vẫn ổn định như mọi năm với tỷ lệ 40% trong tổng chỉ tiêu học sinh vào lớp 10. Đây là tỷ lệ đã được quy định tại Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18-4-2005 của Chính phủ về “Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao”, nhưng tỷ lệ này có sự chênh lệch ở từng địa bàn. Tại những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tăng tỷ lệ chỉ tiêu vào các trường THPT công lập lên mức khoảng 70%, số còn lại được phân cho các trường THPT ngoài công lập.
Về phương thức tuyển sinh, đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết đang xem xét, nghiên cứu để điều chỉnh phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT như đề xuất của nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục và giáo viên. Tuy nhiên, phương thức đó sẽ được thiết kế như thế nào để vừa bảo đảm chất lượng học tập của học sinh ở cấp THCS, vừa giúp các trường THPT nâng cao chất lượng “đầu vào” một cách toàn diện, tránh học lệnh đang là một bài toán khó.
Hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn chủ trương giữ ổn định phương thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển để tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2018-2019.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.