Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyến metro đầu tiên ở TP HCM đào đường hầm lớn nhất Việt Nam

Theo Tiền phong| 30/04/2017 11:45

Giữa tháng 4-2017, phóng viên đặt chân xuống công trình ngầm của TP HCM ghi nhận không khí làm việc sôi nổi, hối hả của hàng trăm công nhân, kỹ sư tại dự án tuyến metro số 1.

Khẩn trương làm việc dưới lòng đất tuyến metro số 1.


Trước khi dẫn chúng tôi vào lòng đất có độ sâu 17m tại nhà ga Ba Son, nơi các kỹ sư, công nhân tất bật làm việc, kỹ sư Hoàng Anh Thư (thuộc nhà thầu liên danh Shimizu Meada) đề nghị chúng tôi mặc đồ bảo hộ cẩn thận để bảo đảm an toàn. Tiến vào khu vực nhà ga Ba Son, một đại công trường cả trên và dưới lòng đất với hàng trăm kỹ sư, công nhân nhễ nhại mồ hôi dưới cái nắng gay gắt.

Dẫn chúng tôi đến khu vực lắp ráp robot TBM, kỹ sư Hoàng Anh Thư cho biết, con robot TBM này được sản xuất từ Nhật Bản. Robot được chuyển về Việt Nam vào tháng 1-2017 và đang được các kỹ sư, công nhân lắp ráp các bộ phận của robot trước khi bắt đầu đào hầm vào ngày 19-5 tới.

Dự kiến robot TBM này sẽ khoan 12m đường hầm/ngày, sau khi khoan được 1,2m sẽ lắp đặt 6 tấm bê tông làm vách hầm xong mới khoan tiếp. Robot TBM sẽ khoan một đường hầm từ nhà ga Ba Son về đến Nhà hát TP HCM, sau đó tiếp tục đường hầm thứ hai.

Khu vực lắp ráp robot TBM luôn ồn ào, sôi động bởi có hàng chục kỹ sư của nhiều nước, và công nhân hối hả lắp ráp từng bộ phận của robot. Những tiếng trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ Việt, Nhật, Anh,… diễn ra thường xuyên.

Tất bật cho công việc tại nhà ga Ba Son, kỹ sư Phạm Anh Chung cho biết, ở đây anh em kỹ sư, công nhân làm việc rất khẩn trương, chia ra các ca làm cả ngày lẫn đêm để sớm hoàn thành gói thầu 1b của tuyến metro số 1 này. Có những ngày nắng nóng, anh em kỹ sư, công nhân phải gồng mình lên để làm việc dưới độ sâu 17m trong môi trường nóng bức.

Tại khu vực sàn máy tầng hầm nhà ga, hàng chục công nhân đội nắng để đưa những khối sắt thép, bê tông,… vào khuôn. Ngay lối vào nhà ga Ba Son, một phần sàn máy đã đổ bê tông xong, các công nhân hối hả tưới nước, dùng bao tải đay trải lên các tấm bê tông để giữ nước trước cái nắng cháy da cháy thịt.

Công nhân Nguyễn Văn Hậu cho biết, dù nắng gay gắt nhưng anh em tại công trường vẫn hăng say làm việc. “Ðược làm việc với các kỹ sư, có cả kỹ sư nước ngoài, công nhân tụi mình học hỏi được nhiều thứ, nhất là tác phong ý thức trong công việc”, anh Hậu nói.

Tuyến metro số 1 là tuyến metro đầu tiên ở TP HCM đào đường hầm lớn nhất Việt Nam khi có đường kính 6.79m. Tại đây sẽ được lắp đặt robot TBM đào hầm với chiều dài 781m kết nối từ nhà ga Ba Son về Nhà hát TP HCM. Tại công trường nhà ga Ba Son có hơn 200 kỹ sư của nhiều nước và công nhân tất bật xây các công trình ngầm của nhà ga.

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM cho biết, công trình xây dựng nhà ga trung tâm Bến Thành trong lòng đất đã được thiết kế 6 lối tiếp cận vào nhà ga như vỉa hè phía đường Hàm Nghi, Công viên 23/9, vỉa hè đường Phan Chu Trinh, Phạm Ngũ Lão,… Người dân và du khách từ chợ Bến Thành, Công viên 23/9,… chỉ cần bước xuống lòng đất vào nhà ga đi metro đến trung tâm mua sắm, phố đi bộ ngầm dưới lòng đường Lê Lợi. Toàn bộ 5 gói thầu ở dự án metro số 1 có tổng mức đầu tư gần 54 nghìn tỷ đồng và sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động năm 2020.

Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành có diện tích 45.000m2, trong phạm vi tầng ngầm B1 của Nhà ga Trung tâm Bến Thành, kéo dài khoảng 500m dọc theo đường Lê Lợi về hướng Nhà hát TP HCM. Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, việc kết nối các không gian ngầm với nhau là nhu cầu rất lớn khi TP HCM đã có hệ thống không gian ngầm công cộng là nhà ga Bến Thành và các tuyến metro. Hiện các nhà đầu tư đang quan tâm và hưởng ứng… cùng chạy đua vào lòng đất để đầu tư kết nối.

Cần những giải pháp cụ thể và đột phá

Công nhân hối hả làm việc tại nhà ga Ba Son.


Chỉnh trang và phát triển đô thị là một trong 7 Chương trình đột phá của TP HCM trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, TP HCM đang quyết tâm lập lại trật tự lòng lề đường, đem lại mỹ quan đô thị cho thành phố. Trong đó, nổi bật là quận 1, với quyết tâm biến quận 1 thành “Singapore thu nhỏ”, chấp nhận “đụng chạm” để có được vỉa hè thông thoáng. Ðồng thời sắp xếp lại các vỉa hè có diện tích rộng cho người bán hàng rong mưu sinh, cũng như lập các phố đi bộ, quy hoạch nơi buôn bán, chỉnh trang văn minh đô thị để thu hút khách du lịch.

“Ðến nay, gần như vỉa hè của quận 1 đã thông thoáng, người đi bộ có không gian thoải mái. Bên cạnh đó, trong quá trình xử lý vi phạm, quận cũng đã quán triệt anh em, từ cấp quận đến phường phải bỏ vấn đề “tình cảm” sang một bên. Chúng tôi chấp nhận áp lực, đụng chạm để lập lại kỷ cương với mong muốn xây dựng hình ảnh quận 1 như một Singapore thu nhỏ giữa lòng thành phố”, ông Ðoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch quận 1 nói.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch và phát triển Việt Nam cho rằng, xét theo tiêu chí ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất đến đời sống nhân dân và văn minh đô thị thì những lĩnh vực ưu tiên cần chỉnh trang cấp bách, ổn định cuộc sống người dân, chỉnh trang mỹ quan đô thị, chiếu sáng… Chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật giao thông có 3 vấn đề thiết thực hàng đầu, gồm tăng diện tích dành cho giao thông; nâng cấp công nghệ điều phối, kiểm soát giao thông; tổ chức giao thông và phương tiện giao thông.

Hiện nay, tỉ lệ diện tích dành cho giao thông ở TP HCM quá thấp, thiếu bãi đậu xe là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kẹt xe trong nội đô. Hiện thành phố mới đạt chưa tới 10% so với yêu cầu trên 20% của đô thị hiện đại. Tận dụng không gian để xây dựng các bãi đậu xe ngầm và cao tầng. Ðồng thời, lập lại trật tự vỉa hè bởi buôn bán trên vỉa hè là sai quy định nhưng nó đã tồn tại hàng trăm năm, đã trở thành thói quen, thậm chí là sắc thái văn hóa đô thị vùng nhiệt đới. Do đó, thay đổi tập quán này cần phải có một chương trình trung hạn hoặc dài hạn.

5 không gian ngầm ở trung tâm TP HCM

Theo quyết định UBND TP HCM năm 2012 về đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị trung tâm, các không gian ngầm được triển khai tại 5 khu vực sau: Khu vực bên dưới đường Lê Lợi, giữa nhà ga Bến Thành và ga Nhà hát TP HCM làm đường bộ ngầm và trung tâm mua sắm ngầm. Khu vực bên dưới phố đi bộ Nguyễn Huệ làm đường bộ và dưới lòng đường Hàm Nghi làm bãi đậu xe, trung tâm mua sắm ngầm. Quảng trường nhà ga và trung tâm mua sắm ngầm được xây dựng bên dưới ga Bến Thành. Tại công viên 23/9 và không gian bên dưới công việc dọc bờ sông Sài Gòn (đường Tôn Ðức Thắng) sẽ được làm bãi đậu xe, trung tâm mua sắm ngầm. 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyến metro đầu tiên ở TP HCM đào đường hầm lớn nhất Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.