Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tự vệ Hai Bà Trưng lập chiến công đầu

Hiền Phương| 27/12/2017 07:12

(HNM) - Thực hiện chủ trương của Trung ương và Thường vụ Thành ủy về công tác chuẩn bị đối phó với cuộc tấn công bằng không quân của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận cuối năm 1972, Đảng ủy, chính quyền khu phố Hai Bà Trưng đã nhanh chóng chuyển hướng hoạt động sang thời chiến.

Đội nữ tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động. Ảnh tư liệu



Sẵn sàng chiến đấu

Ngày 2-12-1972, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định: Sơ tán ngay người già, trẻ em, những người không có nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu ra khỏi khu vực nội thành. Cuộc sơ tán được tiến hành hết sức khẩn trương, chỉ trong thời gian ngắn, khu phố Hai Bà Trưng đã đưa hơn 96 nghìn người ra khỏi nội thành. Các phương án bảo đảm giao thông được triển khai. Cả khu phố thành lập 277 đội cấp cứu phòng không ở tuyến 1 và 30 đội ở tuyến 2, được trang bị thêm phương tiện, dụng cụ, túi thuốc, đồng thời tích cực luyện tập. Lực lượng tự vệ được tổ chức thành những đơn vị cơ động không thoát ly sản xuất, trang bị súng bắn máy bay tầm thấp và súng bộ binh làm nhiệm vụ chiến đấu tại chỗ, đồng thời là lực lượng xung kích khắc phục hậu quả.

Tối 18-12-1972, nhiều tốp máy bay B.52 và máy bay chiến thuật đánh phá Hà Nội. Ngày 21-12-1972, máy bay địch đánh khu vực Đuôi Cá, Tương Mai. Đêm 22-12, máy bay F111 - “cánh cụp, cánh xòe” lao vào đánh phá khu vực Cảng Hà Nội. Thời cơ diệt địch đã đến, trận địa súng cao xạ 14 ly 5 của liên đội tự vệ Nhà máy Cơ khí Lương Yên, Nhà máy Cơ khí Mai Động và Nhà máy Gỗ Hà Nội đã kịp thời nổ súng. Bằng những đường đạn chính xác, chiếc máy bay F111 đã bị bắn rơi. Đây là chiến công đầu tiên tiêu diệt máy bay F111 của tự vệ Thủ đô. Với chiến công này, liên đội tự vệ được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba. Chị Phạm Thị Viễn, chị Nguyễn Thị Hiếu là những xạ thủ xuất sắc được tặng Huy hiệu Bác Hồ.

Sau một thời gian ngắn ngừng ném bom (từ 0h ngày 25-12 đến 12h ngày 26-12-1972), vào lúc 22h40 ngày 26-12, máy bay B.52 đánh phá ác liệt Cảng Hà Nội, thôn Giáp Lục, khu lao động Tân Mai, Mai Hương. Chia lửa với lực lượng phòng không thành phố, trận địa pháo 100 ly của tự vệ khu phố Hai Bà Trưng đã đánh trả quyết liệt. Ngày và đêm 28-12, Nhà máy Dệt 8-3, khu lao động Mai Hương bị đánh phá. Dưới làn bom đạn địch, các lực lượng phối hợp chặt chẽ chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Các chiến sĩ quan sát trên nóc các khu nhà cao tầng ngày đêm theo dõi tình hình địch, kịp thời báo cáo cho sở chỉ huy. Nhân viên Nhà hộ sinh B không quản mệt nhọc, cứu người bị nạn. Hàng chục các mẹ, các chị khối 51, khối 83 tận tụy tham gia các tổ phục vụ...

Khôi phục và phát triển

Trong cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ trong 12 ngày đêm nhằm vào Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận, trên địa bàn khu phố Hai Bà Trưng, máy bay Mỹ đã làm hàng chục người chết, hàng trăm người bị thương, hơn 1.000 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn, hơn 3.000 ngôi nhà khác bị hư hỏng nặng. Nhiều nhà máy, xí nghiệp, trường học, điểm dân cư bị đánh phá. Ngay sau khi Mỹ ngừng ném bom, thực hiện chủ trương của thành phố, Đảng ủy và chính quyền khu phố khẩn trương huy động hàng vạn ngày công san lấp hố bom, đắp nền nhà tạm cho những gia đình ở các khu Tân Mai, Mai Hương; phân phối kịp thời 312 căn hộ với tổng diện tích 11.500m2 cho 410 hộ không có nhà ở, giúp đỡ nguyên, vật liệu cho nhân dân tự làm 106 ngôi nhà. Gần 2.000 gia đình được Nhà nước trợ cấp tai nạn chiến tranh.

Sau khi đã giải quyết các yêu cầu cấp bách để khắc phục hậu quả, ổn định tình hình sau cuộc tập kích 12 ngày đêm của địch, khu phố Hai Bà Trưng đẩy mạnh khôi phục kinh tế, tiếp tục chi viện cho chiến trường miền Nam. Công nhân đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện “3 đỉnh cao”, đăng ký xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch nhà nước trước thời hạn. Nhiều đơn vị có từ 80% đến 90% cán bộ, công nhân viên đăng ký phấn đấu có ngày công cao, năng suất lao động cao, chất lượng hiệu quả công tác tốt...

Cùng với việc khôi phục kinh tế, khu phố Hai Bà Trưng không ngừng đóng góp sức người, sức của vì sự nghiệp giải phóng miền Nam. Năm 1973, Công ty Vận tải thương nghiệp, Công ty Vận tải hàng hóa đã lên đường làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa cho Quảng Trị. Xí nghiệp Dược phẩm trung ương II đã sản xuất hàng tấn thuốc phục vụ chiến trường, cung cấp cho đồng bào Đông Hà - Quảng Trị những ngày đầu giải phóng. Các hợp tác xã thủ công nghiệp được giao sản xuất các mặt hàng quân trang đã hoàn thành tốt. Dốc sức chi viện cho tiền tuyến, năm 1975, hàng nghìn thanh niên hăng hái nhập ngũ, các ngành kỹ thuật, y tế, giáo dục đã cử nhiều cán bộ vào chiến trường tăng cường cho các vùng mới giải phóng.

Cùng với các địa phương, đơn vị bạn, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân khu phố Hai Bà Trưng (nay là quận Hai Bà Trưng) đã có những đóng góp, hy sinh to lớn góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” nói riêng và cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự vệ Hai Bà Trưng lập chiến công đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.