(HNM) - Dường như năm nào cũng vậy, cứ vào mỗi mùa thi, câu chuyện về những áp lực liên quan đến chuyện học hành, thi cử… luôn là đề tài “nóng” trên các phương tiện truyền thông.
Rõ ràng, nhu cầu được chia sẻ, tư vấn tâm lý và hỗ trợ trong định hướng nhận thức để có thể giải quyết được những tình huống nảy sinh trong cuộc sống của HS hiện nay ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, tư vấn tâm lý HS vẫn chưa được nhìn nhận như một hoạt động giáo dục quan trọng và cần phải có tại mỗi nhà trường.
Các thầy cô giáo chia sẻ về việc tư vấn tâm lý với học sinh. |
Tại Hà Nội, việc hình thành các phòng tư vấn tâm lý đã được triển khai tại một số trường THCS và THPT trên địa bàn. Tuy nhiên, mô hình này chủ yếu mang tính tự phát, phụ thuộc nhiều vào sự quan tâm của ban giám hiệu nhà trường và sự hỗ trợ của phụ huynh. Hơn hai năm trở lại đây, thông qua việc triển khai dự án xây dựng “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”, vấn đề tư vấn tâm lý HS đã được quan tâm nhiều hơn. Đây là dự án do Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam phối hợp với Sở GD-ĐT Hà Nội triển khai tại 10 trường THCS và 10 trường THPT trên địa bàn thành phố từ giữa năm 2014 tới nay. Việc hình thành và duy trì hoạt động của phòng tư vấn tâm lý HS là một trong những nội dung cơ bản và quan trọng trong chuỗi hoạt động của dự án tại các nhà trường.
Ông Nguyễn Hiệp Thống, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, từng thẳng thắn đề nghị Bộ GD-ĐT xem việc hình thành phòng tư vấn tâm lý HS là một phòng chức năng trong nhà trường, như với phòng thể chất, phòng y tế, phòng thực hành thí nghiệm… Kèm theo việc duy trì phòng tư vấn tâm lý HS là các quy định về nguồn lực và chế độ chính sách tương ứng với yêu cầu, nhiệm vụ.
Tại khóa tập huấn đội ngũ giáo viên chủ nhiệm của các trường tham gia dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” vừa được tổ chức trong tháng 6-2016, nội dung tìm hiểu về đặc điểm tâm lý HS THCS và THPT được đưa vào với dung lượng khá lớn. Đây là một nội dung mới được bổ sung trong khóa tập huấn năm nay, nhằm giúp giáo viên các trường hiểu thêm về đặc điểm tâm sinh lý của HS, từ đó có cách ứng xử và hỗ trợ phù hợp khi cần thiết. Theo cô giáo Đinh Thị Bính (Trường THCS Nguyễn Du, huyện Sóc Sơn), những nội dung này rất có ý nghĩa với cô trong việc giảng dạy và giáo dục HS. “Tôi có thêm kiến thức, kỹ năng để khơi gợi vấn đề, gần gũi với HS hơn, biết cách làm cho các em tin tưởng, yên tâm và sẵn lòng chia sẻ với mình khi gặp tình huống khó khăn. Tôi tin tưởng rằng, với những gì thu hoạch được từ khóa tập huấn, mỗi giáo viên làm công tác chủ nhiệm sẽ là những nhà tư vấn thường xuyên gần gũi nhất với các em, kịp thời hỗ trợ các em khi cần thiết”, cô Đinh Thị Bính chia sẻ.
"Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" là dự án do Sở GD-ĐT Hà Nội và Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam triển khai từ tháng 6-2014 đến tháng 11-2016 với sự tài trợ của Quỹ Ủy thác của Liên hợp quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.