Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ sông Hồng nhớ về Vàm Cỏ Đông

ANHTHU| 12/11/2007 08:01

(HNM) - Trong cuộc đời của mỗi con người - từ trẻ thơ cho đến khi trưởng thành không ai là không có một dòng sông trong ký ức. Đối với tôi, có hai dòng sông mang nhiều kỷ niệm: Với tuổi thơ là sông Hồng, lúc trưởng thành là sông Vàm Cỏ Đông…

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội,nhà cách bờ sông Hồng khoảng mười phút đạp xe. Sông Hồng ngày ấy rộng lắm, những đụn cát trắng cao vút chạy dài, đi học về tôi lại ra đấychạy nhảy, rồi nô đùavùng vẫy trong làn nước đỏ quạch màu phù sa. Những ngày chủ nhật với phong trào “Lao động xã hội chủ nghĩa”, thanh niên Hà Nội lấy cát ngoài sông Hồng chở trên ba gác kéo về để đắp rộng thêm con đường Thanh Niên, vất vả mà vui như một ngày hội lớn. Sông Hồng là bến đậu của những bè nứa từ miền ngược xuôi về, để rồi từ đây đi đến những miền xa.

Sông Hồng, cầu Long Biên và phố phường Hà Nội, đó là những hình ảnhtôi đã mang theo trong suốt những năm tháng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam…

Dòng sông Vàm Cỏ Đông đón tôi vào một đêm trăng sáng. Tiếng máy chiếc ghe nổ ròn tan vang xa cũng không xua đi được cái tĩnh mịch yên ắng của rừng miền Đông, thi thoảng những tiếng ầm ì như cối xay gạo của máy bay B52. Căn cứ mang tên “Cố vấn”, nơi cơ quan đóng -nằm sâu trong rừng, muốn đi ra sông phải đi bộ một giờqua những con đường mòn. Phía đầu nguồn vào mùa nước cạn lội ra giữa dòng cũng chỉ đến cổ, mùa mưa đến thì tràn bờ, ào ào nuốt lấy những hàng cây xum xuê hai bên bờ. Không biết bao nhiêu lần, tôi vượt qua đây với sự lãng mạn của một chàng trai Hà Nội. ào đến giai điệu bài hát của nhạc sĩ Trương Quang Lụcở tận sông Hồng anh có biết, quê hương em cũng có dòng sông, anh mãi gọi với lòng tha thiết Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông... Tay vốc nước uống, còntrong lòng thầm nghĩ: có một chàng trai của Hà Nội đang ở nơi đây đây nè. Bao giờ thì ta được vùi mình trong đụn cát sông Hồng, bao giờ ?

Mậu thân 1968,dẻ gai trổmầm non, mai vàngnở báo mùa xuân. Cỏ mơn mởn chạy dài đến sát bờ sông Vàm Cỏ. Không tiếng pháo, không tiếng máy bay, không có những trận càn... Sự yên tĩnh hiếm có, vì Tết sắp đến. Nhưng chúng tôi thì tất bật, chuẩn bị phục vụ cho một trận đánh long trời lở đất. Đoàn văn công Giải phóng tham gia tải đạn, tải gạo. Đạn B40 nặng trĩu trên đôi vai mảnh mai của những cô gái Hà Nội giữa cái nắng gắt miền Nam. Và khi màn đêm buông xuống, những bài hát của quê hương, về dòng sông cuộc đời, về tình yêu, tình đồng đội lại cất lên.

Căn cứ B12A của Đoàn văn công Giải phóng tại trảng Cố Vấn, đi từ sông Vàm Cỏ thì càng gần đến đường càng hẹp lại. Đường mòn không thấy, ngỡ bên trong chỉ có rừng. Thế mà có hẳn một “ngôi làng nhỏ”với hội trường lớn lợp lá trung quân, ghế ngồi là những thân cây dài, nhà bếp sâu dưới đất, cùnggiếng nước, chuồng nuôi heo, căng tin nhỏ... Nơi ở của chúng tôi được bố trí theo từng khu vực chuyên môn và trong khoảng rừng ấy, ai thích chỗ nào thì tự phát cây tạo ra một khoảng trống đủ ở. Ban đầu, là một khoảng rộng đủ căng một chiếc võng với hai cọc mồi, phía trên căng tấm tăng, tức mái ni lông che mưa che nắng. Ai nấy chặt ba đoạn cây dài, lấy dây rừng cột chặt làm chạc đựng ba lô. Rồi đến đào hầm, việc sống còn, phải làm ngay. Tiếp đến, khi có đủ thời gian hoặc ở lâu dài, ngoài công việc ở cơ quan như: Đi tải gạo, tiếp phẩm, đào giếng, làm hội trường, vào rừng cưa cây, hái lá trung quân để làm nhà, làm củi cho nhà bếp, làm nhà tắm cho chị em..., thời gian còn lại thì tranh thủ o bế chỗ ở của mình. Người khỏe mạnh, có sức làm nhà thì xin mời ra rừng cưa cây to nhỏ tùy ý. Nhưng một nguyên tắc bất di bất dịch, phải tôn trọng là cây chặt phải thưa ra, không chặt sát nhau nhằm tránh máy bay phát hiện. Căn nhà nhỏ cũng là nơi nghỉ ngơi sau mỗi đợt công tác trở về, vì vậy ai ai cũng ráng chăm sóc nó để có được một nơi ở đẹp và tiện nghi có thể. Thông thường nhà có thêm cái bếp nhỏ với dàn củi khô nấu nước pha trà. Và khi đêm xuống, bên ánh lửa hồng chúng tôi lại quây quần thưởng thức chén trà nóng hổi giữa cái lạnh ẩm ướt của khu rừng.

Nhưng rồi chiến khu và rừng miền Đông không còn yên tĩnh. Cuộc chiếnkhông chừabất cứ nơi đâu, pháo đài bay B52 liên tục dội bom từng đợt. Cây cối, cánh rừng bị xé nát, cháy xém từng mảng. Biệt kích, thám báo ẩn náu ngay gần kề, trong những khoảng rừng nào chả biết...Cuộc sống của chúng tôi thời kỳ ấy thật căng thẳng, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ là sợi chỉ mỏng manh. Khi chiến dịch càn quét vùng biên giới của địch ngày một ác liệt hơn, chúng tôi được lệnh rời vùng căn cứ để tiến sâu vàorừng già. Và như những người du mục, anh em lại lỉnh kỉnh đàn địch, phông màn, súng đạn, dù chỉ là rất tiềm tiệm, lên đường đến một nơi ở mới xa dòng sông Vàm Cỏ Đông.

Hòa bình trở lại, chúng tôi về các đô thị lớn sống, lâu lâu gặp nhau ôn chuyện cũ. Đúng là bao nhiêu nước đã chảy qua “cầu”, nghĩ đến tuổi trẻ, đến người không cùng về, chuyện cũ cứ lan man không dứt được. Có lần đứng trên cầu Long Biên, nhìn dòng sông Hồngvẫn đỏ sắc phù sa, ai nấy lại bồi hồi nhớ về dòng sông Vàm Cỏ Đông biết bao kỷ niệm, như ngày nào từnơi ấy nhớ về sông Hồng yêu dấu.

Trần Lan Chi

- - - - - - - - - - -

Cùng bạn viết

Thăng Long - Hà Nội không phải chỉ có những chuyện trong quá khứ. Trong thời gian tới, đề tài ưu tiên của chúng tôi là thời chúng ta đang sống, những con người, sự kiện, công trình mới... để nói lên sức sống của thành phố hôm nay.

Địa chỉ thư điện tử: thi1000nam@hanoimoi.com.vn

Phông chữ VnArial

B.T.C

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ sông Hồng nhớ về Vàm Cỏ Đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.