Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tự phê bình và phê bình nghiêm túc, khoa học

Thành Vinh| 21/11/2016 06:34

(HNM) - Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc trong sinh hoạt, tổ chức và xây dựng Đảng; là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi chi bộ.


Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tự phê bình và phê bình trong các chi bộ hiện nay bộc lộ những bất cập. Nhiều cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về vai trò, vị trí, tác dụng của tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ. Tính chiến đấu trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình không cao, còn tình trạng hữu khuynh, né tránh. Một số chi bộ chưa quán triệt đầy đủ và thực hiện đúng những yêu cầu nguyên tắc của tự phê bình, tình trạng xuê xoa, thỏa hiệp, né tránh, ngại đấu tranh với những sai lầm, khuyết điểm của đảng viên còn diễn ra, nhất là đối với những đảng viên có chức, có quyền.

Mặt khác lại xuất hiện tình trạng lợi dụng tự phê bình và phê bình vì mục đích cá nhân để qua đó công kích, nói xấu đồng chí nhằm hạ bệ nhau, kéo bè, kéo cánh gây chia rẽ mất đoàn kết…

Để nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ, Đề tài KHBĐ-35 của Ban Tổ chức Trung ương đã đề xuất 5 nhóm giải pháp. Trong đó, đáng chú ý là kiến nghị xây dựng quy trình các bước tiến hành tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ gồm 3 bước: Chuẩn bị tự phê bình và phê bình; tiến hành tự phê bình và phê bình; kết thúc tự phê bình và phê bình.

Trong đó, công tác chuẩn bị đóng vai trò quan trọng, đòi hỏi tiến hành chu đáo, tỉ mỉ, có trọng tâm, trọng điểm. Chi bộ phải lấy ý kiến phê bình của quần chúng đối với đảng viên, ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp ủy cấp trên về ưu, khuyết điểm cũng như kết quả hoạt động của chi bộ và đồng chí bí thư chi bộ. Những vấn đề cấp ủy cấp trên, quần chúng đề cập đến mà chưa nêu rõ trong quá trình chuẩn bị tự phê bình và phê bình, cấp ủy, đảng viên thấy đúng phải bổ sung kịp thời. Quá trình tiến hành sinh hoạt tự phê bình và phê bình của chi bộ phải thật sự dân chủ. Mọi đảng viên có quyền phát biểu chính kiến của mình, chất vấn những vấn đề chưa rõ.

Sau khi phân tích, góp ý phê bình đối với những khuyết điểm, hạn chế của tập thể hoặc cá nhân, người chủ trì sinh hoạt phải có kết luận rõ ràng, tránh mập mờ, chung chung. Kết thúc tự phê bình và phê bình, chi bộ và đảng viên phải xây dựng kế hoạch, biện pháp sửa chữa khuyết điểm; kế hoạch kiểm tra theo dõi quá trình sửa chữa khuyết điểm và công khai kết quả tự phê bình và phê bình…

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng mới được ban hành cũng chỉ rõ những hạn chế trong công tác tự phê bình và phê bình, đồng thời xác định một trong những giải pháp khắc phục là xây dựng quy định tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh… Việc tổ chức tiến hành tự phê bình và phê bình một cách bài bản, khoa học sẽ là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự phê bình và phê bình nghiêm túc, khoa học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.