Nghị quyết và Cuộc sống

Công tác Đảng... vào cuộc chuyển đổi số

Hà Vũ - Tiến Thành 14/11/2023 06:21

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và tiên phong trong chuyển đổi số, công tác xây dựng Đảng của thành phố Hà Nội đang ngày càng đổi mới. Hiệu quả, chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo được nâng lên. “Tốc độ” đưa nghị quyết, chỉ thị của Đảng vào cuộc sống ngày càng nhanh hơn.

Tuy nhiên, để tạo bước đột phá hơn nữa về chuyển đổi số trong công tác Đảng cần có những giải pháp đồng bộ từ trung ương, và thực tiễn tại Đảng bộ thành phố Hà Nội thời gian qua đã phần nào gợi mở, hiến kế những cách làm hay.

[Cuộc họp triệu người và câu chuyện “chuyển đổi số” trong Đảng]

xdd.jpg
Đoàn viên thanh niên phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm) hướng dẫn đảng viên sử dụng “Sổ tay đảng viên điện tử”. Ảnh: Lê Dung

Từ các ứng dụng Zalo, Facebook...

Thuật ngữ “chuyển đổi số” (tiếng Anh là Digital Transformation) đã phổ biến trên thế giới nhiều năm qua, đến nay vẫn chưa có một định nghĩa chung nào mang tính phổ quát, chính xác, áp dụng thống nhất cho tất cả. Tuy nhiên, có thể hiểu khái niệm “chuyển đổi số” cơ bản là cách các tập thể hay cá nhân trong cộng đồng chuyển từ cách làm việc cũ sang cách làm việc mới nhanh hơn, hiệu quả hơn bằng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ của kỷ nguyên số.

Phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) - nơi phát hiện ca Covid-19 đầu tiên của thành phố Hà Nội cách đây 3 năm - là một trong những địa phương sớm nhất ứng dụng Zalo, Facebook vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trao đổi công việc trong chi bộ, tổ dân phố. Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận tổ dân phố số 4 (phường Trúc Bạch) Nguyễn Thị Minh Trang chia sẻ, thời điểm phát hiện ca Covid-19, thông qua việc áp dụng phương thức thông tin trên các ứng dụng Zalo, Zoom, Chi bộ vẫn duy trì nền nếp sinh hoạt Đảng; triển khai phổ biến, quán triệt kịp thời tất cả các chỉ thị, nghị quyết của trung ương và Thành ủy, từ đó thực hiện tốt các nhiệm vụ trong suốt thời gian cách ly do dịch bệnh.

Từ giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch bệnh, việc lập các nhóm trên ứng dụng Zalo để trao đổi công việc trong chi bộ đã phổ biến trên toàn thành phố. Hiện nay, hầu như các cấp ủy cơ sở, chi bộ đều vận dụng cách làm hiệu quả này. Tại phường Phúc Xá (quận Ba Đình), lãnh đạo phường lập một số nhóm Zalo chuyên ngành để thông tin nhanh, chỉ đạo kịp thời và nắm bắt phản ánh từ cơ sở, như nhóm Zalo “Đảng ủy phường Phúc Xá”; “22 Tổ dân phố”; “Công tác 197”. Mới nhất là nhóm “Công tác phòng cháy, chữa cháy”...

Không chỉ ở cơ sở, đối với cấp trên cơ sở, ứng dụng mạng xã hội vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng đem lại hiệu quả cao. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, huyện đã thành lập một số nhóm Zalo như nhóm bí thư đảng ủy xã, nhóm chủ tịch xã, nhóm bí thư chi bộ, nhóm cộng tác viên dư luận xã hội... Tất cả các nhóm đều có các đồng chí Thường trực Huyện ủy tham gia.

“Hai nhóm Zalo là bí thư chi bộ và cộng tác viên dư luận xã hội mà chúng tôi thành lập hoạt động rất hiệu quả. Ví dụ như người dân phản ánh đợt mưa vừa rồi ngập chỗ nào, các đồng chí ở cơ sở chụp ảnh gửi lên nhóm. Nắm bắt được vấn đề, chúng tôi chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý ngay”, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, tại Hà Nội, cấp ủy ở hầu hết các địa phương đều đã chỉ đạo xây dựng các trang Fanpage trên mạng xã hội Facebook để kết nối với cán bộ và nhân dân, phục vụ công tác tuyên truyền, kịp thời nắm bắt ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân, dư luận xã hội.
Hiện nay, hầu hết các hội nghị do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, các đại biểu không còn phải cầm cả tập tài liệu in như trước, thay vào đó chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR để tải tài liệu về máy và sử dụng.

Ban Tuyên giáo Quận ủy Tây Hồ từ lâu đã đi đầu trong phát hành Bản tin nội bộ hằng tháng theo hình thức quét mã QR, vừa nhanh, tiện lợi, vừa giảm phần lớn bản in, qua đó tiết kiệm đáng kể chi phí. Ban Tuyên giáo Quận ủy Bắc Từ Liêm cũng đã cho ra mắt ấn phẩm “Thông tin tuyên truyền điện tử quận Bắc Từ Liêm”, tích hợp cả bản in, đính kèm video clip, hình ảnh và cả phần âm thanh, tạo thuận lợi cho đảng viên cao niên tiếp nhận thông tin.

... đến “Sổ tay đảng viên điện tử”

Cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh, Bí thư Chi bộ 2 (Đảng bộ phường Việt Hưng, quận Long Biên) Trần Huy Đoạt, năm nay đã 70 tuổi, cho biết, để chuẩn bị sinh hoạt chi bộ hằng tháng, sau khi chi ủy thống nhất, dự thảo nghị quyết sẽ được tải lên “Sổ tay đảng viên điện tử”. Tại đây, tất cả cán bộ, đảng viên trong chi bộ, kể cả người được miễn sinh hoạt chi bộ đều có thể nghiên cứu và đóng góp ý kiến.

Cùng với Đảng bộ quận Long Biên, việc ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” vào sinh hoạt chi bộ đã được chỉ đạo triển khai đồng loạt trên toàn Đảng bộ thành phố. Theo Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, tính đến nay có 442.970/475.880 đảng viên đã cài đặt thành công phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”, đạt 102,43% so với số đảng viên đủ điều kiện và đạt 93,1% đảng viên trong toàn Đảng bộ thành phố. Ngoài ra, có 12.734/16.762 chi bộ đã ứng dụng phần mềm trong sinh hoạt chi bộ, đăng tải 1.300 tin bài, 1.496 văn bản tài liệu...

Bên cạnh “Sổ tay đảng viên điện tử”, Ban Tổ chức Thành ủy đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giải quyết công việc với 4 phần mềm, gồm: Cơ sở dữ liệu đảng viên 3.0; Quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp của Ban; Đánh giá cán bộ, công chức hằng tháng; Quản lý hồ sơ cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.

Có thể nói, với tư duy “chuyển đổi số” và quyết tâm tìm tòi, sáng tạo, đặc biệt là sự quan tâm, hợp tác của cán bộ, đảng viên, Hà Nội đã và đang tiên phong thực hiện chuyển đổi số trong công tác Đảng.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo:
Đồng bộ trong chuyển đổi số là rất cần thiết

ykien-vu-duc-bao.jpg

Khó khăn và quan trọng nhất đối với chuyển đổi số trong công tác Đảng là nhập dữ liệu, nhất là cập nhật dữ liệu từ cơ sở. Nhập dữ liệu phải bảo đảm thời gian và tính chính xác. Chúng tôi đã kiến nghị đưa vấn đề này vào Luật Thủ đô (sửa đổi). Đồng thời, Ban Tổ chức Thành ủy cùng với Sở Nội vụ Hà Nội đã tham mưu giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này. Nếu các điều kiện thuận lợi thì UBND thành phố sẽ sớm trình HĐND thành phố quyết định bổ sung cho mỗi địa phương 1 biên chế văn phòng cấp ủy chuyên trách được hưởng chế độ để làm nhiệm vụ này. Một số nơi đông đảng viên có thể nhiều hơn 1 biên chế.

Hiện nay, việc triển khai chuyển đổi số ở Hà Nội cũng như đảng bộ các tỉnh, thành phố trên cả nước cơ bản vẫn mang tính địa phương, nội bộ. Do đó, công tác chuyển đổi số rất cần được triển khai đồng bộ từ trung ương. Chúng tôi cho rằng, trung ương cần ban hành các quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn để các cấp ủy cấp dưới chuẩn hóa và tiến đến khớp nối đồng bộ, vận hành liên thông, thông suốt.

Phó Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Long Biên Nguyễn Xuân Long:
Kiểm soát tốt chất lượng sinh hoạt chi bộ

ykien-nguyen-xuan-long.jpg

Nhờ ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” vào sinh hoạt chi bộ trong Đảng bộ quận Long Biên nên lãnh đạo Quận ủy cũng như Ban Tổ chức Quận ủy có thể theo dõi tình hình tổ chức sinh hoạt chi bộ hằng tháng, số lượng đảng viên tham gia, kiểm tra đánh giá chất lượng các văn bản liên quan, nhất là dự thảo nghị quyết chi bộ.

Mỗi loại hình địa bàn, cơ sở lại có đặc thù riêng, nên nghị quyết sinh hoạt chi bộ cũng phải khác, không thể rập khuôn, hình thức. Trước đây, muốn xem tài liệu của chi bộ chúng tôi phải liên lạc và đề nghị gửi email hoặc trực tiếp xuống lấy bản in. Nhưng nay qua ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” chúng tôi cùng lúc có thể xem được dự thảo nghị quyết của hơn 500 chi bộ của quận. Từ đó, nơi nào làm hình thức, nghị quyết không bám sát thực tiễn địa bàn là chúng tôi góp ý để Đảng ủy phường lưu ý chỉ đạo ngay. Nhờ đó, chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên và quan trọng là chúng tôi có thể kiểm soát được việc này ngày càng tốt hơn.

Bí thư Đảng ủy phường Phúc Xá (quận Ba Đình) Trần Thị Tố Tâm:
Gần dân, sát dân và phục vụ dân tốt hơn

ykien-tran-thi-to-tam.jpg

Xác định các mạng xã hội là kênh thông tin quan trọng để tuyên truyền, định hướng, Đảng ủy phường Phúc Xá đã duy trì kênh liên lạc trên các ứng dụng Zalo, Facebook để thường xuyên nắm bắt thông tin, cập nhật tình hình của phường, tuyên truyền chủ trương, chính sách trên từng lĩnh vực. Mọi lĩnh vực của đời sống dân sinh, các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị trên địa bàn đều được phản ánh kịp thời, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành...

Hiện nay, Fanpage chính thức của phường có trang “Phường Phúc Xá” do các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường làm quản trị viên. Trang “Tôi yêu Phúc Xá” do lực lượng Đoàn thanh niên và Công an phường làm quản trị viên. Ngoài ra, từng đơn vị theo ngành dọc cũng có trang Fanpage của mình, như: “Tuổi trẻ Phúc Xá”; “Hội Liên hiệp phụ nữ phường Phúc Xá”... Các trang này thực sự đã đưa chúng tôi đến gần với người dân và ngược lại cung cấp cho chúng tôi rất nhiều thông tin để hiểu và phục vụ nhân dân tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác Đảng... vào cuộc chuyển đổi số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.