Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ nhận thức đến hành động

Hoàng Lê| 09/05/2019 10:18

(HNMCT) - Lâu rồi, quãng chừng hai chục năm trước, tôi nhớ mình ấn tượng với lời giới thiệu viết cho một cuốn sách về rượu của một vị giám đốc công ty rượu nọ. Vị này viết, đại ý rượu là phát minh vĩ đại của con người, chỉ sau lửa.


Không thể cấm rượu bởi đó là thứ ngon, thậm chí là thuốc tốt cho cơ thể, như danh y Hải Thượng Lãn Ông từng tức cảnh mà rằng: “Nửa đêm uống ba ly rượu - thầy thuốc không phải đến nhà”... Có lẽ thế, nên, như vị giám đốc viết, “Rượu như nước mà nước thì không thể thiếu được đối với sự tồn vong của nhân loại!”.

Lửa, nước và rượu. Âu cũng là một cách tuyệt đối hóa vai trò không thể thiếu của rượu từ một vị giám đốc ở nơi chắc hẳn phải đặt mục tiêu bán được càng nhiều rượu càng tốt!

Người ta cho in cuốn sách đó, không tiện dẫn tiêu đề ở đây, việc nếu làm vào lúc này ắt hẳn người biên tập phải băn khoăn không biết có nên cắt bỏ “tuyên ngôn” nói trên hay để lại, khi “xã hội đương đại” đang khóc thương cho sự ra đi của hai phụ nữ sống ở Hà Nội - nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông mà thủ phạm là người đàn ông lái xe ô tô sau khi đã uống khá nhiều bia rượu.

Xét về vấn đề an toàn giao thông, giai đoạn kể từ trước ngày nghỉ lễ 30-4, 1-5 cho đến cuối tuần qua là những ngày đen tối. Gần như ngày nào trên báo, mạng xã hội cũng có tin về những người đã uống rượu bia mà vẫn lái xe, gây hậu quả nghiêm trọng - cả tin mới hoặc nhắc lại. Những tài xế say bia rượu gây tai nạn nhiều đến lạ. Rượu bia “uống người”, không còn phản xạ phân biệt phải - trái, đúng - sai, họ cho xe lao với “tốc độ bàn thờ”, bất tuân luật pháp, làm chết người ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác. Nạn nhân là người đang đẩy xe rác lẫn người đi xe máy, xe đạp; cả người dừng xe ở ngã tư theo đèn tín hiệu giao thông lẫn người đang lưu hành trong hầm đường bộ vắng vẻ...

Cảm giác bất an tăng dần khi trời về khuya, quãng thời gian “ma men” tan cuộc nhậu. Những sự vụ xảy ra gây cảm giác ghê sợ xen lẫn phẫn nộ, khiến người bình thường phải rùng mình và ngay cả những người có thói quen “đến bữa là phải có tý cay” cũng không thể “đối xử” bình thường với rượu được nữa. Phản ứng gay gắt trên mạng xã hội của một số người “thích uống” và bài viết của họ trên báo in cho thấy điều này.

Hàng nghìn người ở Hà Nội đã tới dự lễ tang chị Đinh Thị Hải Yến và Trần Thị Quỳnh, những người đã bị ô tô đâm tử vong trong hầm đường bộ Kim Liên (Hà Nội) do thủ phạm lái xe sau khi uống bia rượu quá đà. Người đến tiễn đưa đeo trên tay logo mang dòng chữ “Đã uống rượu, không lái xe”. Cũng không ít hơn số người đó đã dự lễ tiễn đưa chị Lê Thị Thu Hà, công nhân môi trường đô thị là nạn nhân của một vụ tài xế trong tình trạng say xỉn gây tai nạn liên hoàn, diễn ra chỉ trước đó ít ngày.

Rượu không phải là thủ phạm nhưng người say rượu thì có thể. Bước chuyển về nhận thức đối với người say rượu và hành vi của họ đã từ “không chấp kẻ say” sang lên án quyết liệt. Hành động của cộng đồng trong những ngày vừa qua không chỉ thể hiện sự đồng lòng thay đổi nhận thức đó, mà còn đặt ra yêu cầu về phương diện quản lý xã hội. Không thể quản lý người say thì tìm cách hạn chế cơ hội tìm đến “chất cay”.

Sẽ phải có, một cách nhanh chóng, cách tiếp cận vấn đề từ gốc, như nghiên cứu xây dựng và ban hành quy định cấm bán rượu bia cho vị thành niên; nơi nào được phép bán/mua/uống rượu bia và nơi nào thì không; nơi nào không hạn chế thời gian bán rượu bia và ở đâu thì cần đưa ra giới hạn; chế tài xử lý vi phạm đối với người lái xe sau khi uống rượu bia, gây tai nạn giao thông... Nếu không nghĩ cách thực hiện những việc này thì sự ra đi của những người vô tội, thái độ đồng hành và sự thay đổi về mặt nhận thức của những người ở lại cũng gần như vô nghĩa.

Văn hóa rượu từng là đề tài thú vị, nhưng giờ thì dường như điều đó không còn đáng bàn nữa. Ít nhất là cho đến khi biết chắc rằng sự uống không còn là nỗi lo thường trực trong mọi nhà...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ nhận thức đến hành động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.